1.
Tôi đọc Lụa lần đầu vào năm 2015.
Có lẽ. Cũng có thể sớm hơn. Nhưng không thể trước mốc 2014.
Ngay chỉ 5 hay 10 trang đầu, Lụa quyến rũ. Ngày tháng đó, cứ mỗi khi trở lại, Lụa quyến rũ. Lòng tôi tang tình.
Những giai điệu không lời. Tôi chẳng thể hát theo. Nhưng tôi nghe rất rõ… thứ âm nhạc đâu đây… chìm sâu trong trang giấy.
2.
Có thể tôi quên.
Những cung đường, những sự kiện
trên hành trình của Hervé Joncour. Thậm chí, tôi chưa biết. Phải phát âm. Làm sao danh xưng này? Nhưng một trang mô tả. Tôi không quên. Tôi mê mẩn.
Ngày mưa. Nhìn ngắm.
Không là người tham dự. Là người quan sát.
Quan sát. Không tham dự.
Câu ấy đúng hệt kỹ thuật thiền. Một kỹ thuật thiền Nam truyền.
Ngày tháng đó, tôi mải miết luyện tập. Chỉ một câu khẩu quyết. Cần ngàn ngày lẻ. Hay nhiều hơn. Để tựu thành nội công.
Lắng nghe tim mình
như lắng nghe một cơn mưa.
Nhìn ngắm đời mình
như nhìn ngắm một dòng sông.
Tôi viết rồi treo lên tường nhà. Tôi biết từ trước. Chốn thiền lâm. Nhưng khi gặp Lụa, tôi mới thích thú mà ghi xuống.
Viết dễ. Làm không dễ.
Chỉ nhìn. Thay vì đắm trong mưa.
3.
Quyển Lụa tiếng Việt bìa màu đỏ.
Như một giai nhân.
Khi cầm bìa lên, trước mặt,
sẽ đúng chính xác
như những gì đôi mắt Hervé Joncour thâu nhận.
Có lẽ họa sĩ thiết kế muốn thắp lại
khoảnh khắc đó?
Khoảnh khắc nhìn vào trong. 3 giai nhân. Trong đời chàng.
Mới nhìn lướt. Tưởng chỉ thuần ái tình? Nhưng có phải dục năng là bánh xe trong Lụa?
Tôi lại nhìn, nhìn vào trong. Nhìn cái không. Nhìn cái không không. Như nhìn một cơn mưa.
4.
Tôi mua thêm nhiều bản Lụa.
Để làm quà.
Ngây thơ
tìm thêm những người
biết nghe
thứ âm nhạc đâu đây
chìm sâu trong trang giấy.
Cái bìa đỏ rực.
Chẳng ngại.
Làm quà.
5.
Tôi tha Lụa khắp nơi.
Hàng ghế xe bus hay công viên. Giết thời gian, tránh tiếng ồn, xa phải trái. Cốt yếu là muốn thưởng thức âm nhạc.
Chẳng ngại những đánh giá đạo đức.
Ồn ào quanh trang bìa đã tắt.
Tôi đọc Lụa lần đầu vào năm 2015. Có lẽ. Cũng có thể sớm hơn. Nhưng không thể trước mốc 2014. Đó là quyển tái bản. Chẳng biết đã in thêm bao lần? Chỉ biết bản Lụa đỏ, áo kimono, giữ nguyên dáng bìa Mỹ, xuất hiện 2007. Cũng chẳng biết bản dịch có phải từ nguyên tác? Nhiều khả năng chuyển từ tiếng Anh. Của Guido Waldman.
Alessandro Baricco sang Việt Nam năm 2010. Trước đó 1 năm, Đại Dương Biển được chuyển dịch. Từ Pháp.
2 năm ấy, có ồn ào? Tôi không biết.
6.
Dòng thời gian của tôi bắt đầu vào năm 2015.
Có lẽ. Cũng có thể sớm hơn. Nhưng không thể trước mốc 2014. Đọc Lụa-đỏ, tôi tìm Lụa-vàng, xuất hiện năm 2000, cùng một bức thư pháp. Lụa ấy chuyển dịch từ tiếng Pháp.
Seta (ra đời 1996) chuyển thành Soie rồi mới là Lụa
trong tay.
Không Lấm Máu. Cũng từ Pháp.
Nhưng Lụa vẫn quyến rũ.
7.
Như quen với Lụa-đỏ, tôi gặp những khúc khuỷu cùng Lụa-vàng.
Lại còn chuyện cắt bỏ câu chữ. Tôi bức bối. Hiềm hận ngủ yên nay khuấy động. Đâu chỉ mấy trang. Hệ thống kiểm duyệt văn hóa. Chiếc kéo thuần phong mỹ tục của năm 2000 và của thời nào nữa. Dựa vào đâu?
Nhưng tự xét, lấy tâm thức cá nhân để đánh giá tâm thức của tập thể cách nay 20 năm, tôi cần gì?
Tôi cần đôi mắt.
Biết nhìn mưa.
Và hơn nữa.
Sự khoan thứ.
8.
Baricco viết Lụa bằng tiếng Ý.
Câu chuyện về chàng Hervé Joucour nơi đất Pháp. Chàng vượt biên, biết bao lần, về phương Đông. Một người không nói tiếng Nhật mãi mộng mơ về xứ Nhật.
Trong đó, một chuyện tình.
Và còn gì khác để thành một tác phẩm lớn?
Tất cả những gì tôi thấy chỉ là nhạc. Dù tự biết nhạc ấy đã rơi rụng ít nhiều từ nguyên tác.
Sự đồng hóa giữa tôi và chàng thật dễ dàng. Tự nhiên. Vì tôi cũng vậy. Một người không biết nói một câu chữ Nhật mãi mộng mơ về xứ Nhật.
Cách đọc của tôi chỉ đạt được đến vậy. Năm 2015. Có lẽ. Cũng có thể sớm hơn. Nhưng không thể trước mốc 2014. Lụa-đỏ, Lụa-vàng hay Silk, Seda, Soie, Seta, sự đọc và cảm thụ của tôi vẫn không vượt ra thêm một biên giới nào khác.
Nếu nói vì sao lớn, vì sao vươn khỏi một chuyện tình, tôi không biết.
9.
Tôi có xem Lụa thành phim.
Tựa Silk, chắc vậy? Năm 2015. Có lẽ. Cũng có thể sớm hơn. Nhưng không thể trước mốc 2014. Giai đoạn xem phim lậu. Chẳng có gì vui thú khi nhớ về. Kiểu xem phim đó và bộ phim đó.
Lụa-sách đã bật lên rất nhiều những điều không lời. Lụa-phim không thể có một vượt biên bứt phá nào hơn. Cũng chẳng có gì khó hiểu!
10.
2021, tháng 4, tôi ngồi đọc Lụa-mới, bản nâng cấp từ Lụa-vàng.
Không còn khúc khuỷu! Không có cắt xén! Chính xác từng hai chấm, từng từ in nghiêng. Chú giải kỹ lưỡng. Quan trọng là nhạc, hương xa thoang thoảng. Tôi nghĩ, “Lụa thật là đây rồi.”
Lụa phục sinh. Tháng 4.
11.
Có buổi tọa đàm về Lụa.
Tôi đi xin chữ dịch giả Quế Sơn.
Ký lên Lụa-vàng, Lụa-mới và cả Không Lấm Máu.
Tôi được nghe Madame Butterfly, sự tương đồng trong nội dung và kết cấu của một vở opera bên trong Lụa.
Tôi nghe thầy Nhật Chiêu nói về
“dư bạch”.
Về nhòa xóa những biên giới của thơ / văn, truyện ngắn / tiểu thuyết, thực / ảo, Đông / Tây trong Lụa.
Rất nhiều những từ khóa, tôi ghi chép.
Rất nhiều dụng công trong nguyên tác và bản dịch được tường giải, tôi không bỏ sót. Lắng nghe chăm chú.
Đọc kỹ lại cả 2 Lụa, tôi trân trọng lối làm việc và những người đã tạo nên Lụa-mới.
12.
Tôi nghĩ đến một động từ.
Thanh tẩy.
Đọc Lụa được thanh tẩy. Hay đằng sau câu chuyện tình và những lần vượt biên từ Tây Sang Đông là sự gột rửa. Ngoài tất cả những yếu tố thuộc về kỹ thuật làm văn rất điêu luyện đã được luận bàn, đó phải chăng là cơ sở cho một tuyệt tác?
13.
Tôi nghĩ đến trứng tằm.
Cả ngàn trứng.
Khi mà thế giới điên đảo trong dịch bệnh thì hòn đảo ấy, khi chưa có một gã lái buôn Trung Hoa và tên bán bảo hiểm người Anh nào lọt vào thì trứng ở nơi đó cũng chẳng thể nào nhiễm bệnh.
Trong Lụa có một đoạn như thế.
Không phải mua và bán. Những con tằm.
Không phải là một đôi mắt Đông Phương hay mông ngực Phương Tây.
Là bệnh và không bệnh. Là ước ao về tinh khiết, là miễn dịch. Là chữa lành.
14.
Tôi vẫn chưa hiểu Lụa.
Tôi đọc Lụa vẫn theo bản năng. Những tường giải gần nhất tôi nghe trong tháng 4, tôi ghi nhớ. Nhưng sẽ tẩy xóa.
Như tay cầm lên và tay bỏ xuống.
15.
Tôi chưa đọc Lụa bằng tư duy.
Nhìn vào cách xây dựng tình huống, tổ chức ngôi kể. Nhìn vào bút pháp, giọng điệu. Nhìn vào kết cấu, nhân vật, tư tưởng, dư ba. Lối đọc này tôi chưa thử.
Bắt đầu từ giờ, tôi nhìn. Bằng tư duy. Mà kỹ thuật không đổi. Chỉ nhìn. Thay vì đắm trong mưa.
16.
Tôi đi tìm biểu tượng trong Lụa.
Biểu tượng mạnh nhất, xuyên suốt nhất. Tôi chưa thấy. Tứ của Lụa cho tôi cùng một cảm giác với Đạo Ca “Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng” của Phạm Duy. Nhưng để nói ra một biểu tượng mới mà Baricco đã tạo lập, tôi phân vân không rõ.
Hạt nhân. Có.
Thế giới mới. Có.
Nhận thức mới. Có.
Hành trình nhân vật trung tâm. Có.
Nếu chia thành 3, 4 hay 12 sẽ lộ ra các nguyên hình cổ mẫu, chức năng tâm lý, chức năng cốt truyện. Nhưng biểu tượng mạnh nhất, xuyên suốt nhất, tôi chưa gọi được tên.
17.
Những đoạn đối thoại trong Lụa tạo ra khoảng không.
Rất nhiều đoạn tả cảnh, tả tình đưa tới mênh mông bao trùm.
Lối điệp từ, điệp câu, lối cô đặc các mẫu đối thoại, dấu hai chấm, chữ in nghiêng, đó là những bài học quý về dệt nên câu từ mà Lụa để lại.
Khi đi tìm biểu tượng của Lụa, trong đầu tôi chỉ hiển hiện.
Những khoảng không.
18.
Tôi vẫn đang tìm Seta và Soie.
Tôi đang tìm một địa chỉ nơi mặt tiền đường. Không xuyệt. Với những hàng gởi từ nước ngoài. Có 1 địa chỉ như thế, Seta và Soie mới không thất lạc.
Nhưng cầm trong tay. Không bằng cảm giác cầm.
Cầm như không cầm. Cầm cái rỗng không. Tôi đương trải. Với một bản Lụa-Anh, 1998, bản tiếng Anh đầu tiên tại nước Anh.
Silk này có lẽ là bản Lụa có kích cỡ nhỏ nhất. Nhưng cốt yếu là rất nhẹ.
Nhẹ như không.
Như cầm cái hư vô.
#Nhiên
12.4.2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét