Tôi cầm lên quyển sách. Nặng! Đó là cảm giác đầu tiên. Thế nên việc mang sách lên xe bus hay mang theo bên mình để lúc nào tùy thích thì lấy ra đọc là rất bất tiện. “Leonardo da Vinci” phù hợp cho những-lần-đọc âm thầm, cẩn trọng nơi góc riêng và đặt trên 1 giá đỡ nghiêng nghiêng. Những-lần-đọc có thể là rất-nhiều-tháng. Cũng là vì cái cảm giác ban đầu:
- Nặng!
Nặng về số trang, khối lượng, giá tiền và nhất là nặng về nội hàm.
| Quyển sổ tay của Leonardo |
Ở tuổi thanh niên của tôi, thông tin Bill Gates mua lại 1 quyển sổ tay của Leonardo là một ấn dấu đỏ chói trong ký ức. Tôi không nhớ kỹ về ngày tháng hay về con số kim tiền. Nhưng chắc chắn Bill Gates đã giành quyền sở hữu với một cái giá lên đến 8 con số tính theo đơn vị USD. Từ khi Microsoft thống lĩnh hành tinh, Bill Gates đã luôn là một quả cầu lửa trong lòng thiên hạ. Thế nên, từ sự kiện này, ánh sáng tràn chứa ý thức tôi, rọi soi về bóng hình người họa sĩ của thánh địa nghệ thuật Firenze. Hẳn nhiên, tôi đã biết đến ông từ trước. Tiểu sử vắn tắt, những cuốn phim hoạt hình thường thức, các tác phẩm trứ danh. Tất cả tựa như chiếc áo bên ngoài. Nhưng từ sự kiện ấy, tôi mở lối tâm tư, hướng về bề trong, vào cuộc đời riêng, những thói quen thường nhật.
Tôi biết thêm một danh xưng khác, “Howard Gardner”, người đề ra lý thuyết về 8 loại hình thông minh. Với một người không có nhiều niềm vui nơi học đường, luôn có những kết quả thi cử tệ hại thì những phân tích của Howard Gardner đã mở ra một vùng trời giáo dục tươi sáng và cởi bỏ cho tôi bao nhiêu là phiền muộn. Ai là đối tượng phân tích về trí thông minh? Cũng lại là Leonardo, 1 hình mẫu lý tưởng, 1 trường hợp xứng đáng. Vì trong cả 8 thể dạng thông minh, Leonardo hiện hữu ở tất thảy.
Dẫu không thể tiếp cận được tâm thức siêu việt này nhưng tình yêu với hội họa, kiến trúc từ ông đã truyền dẫn đến tôi. Và niềm vui sống được tiếp lửa. Tôi thực hành những bài học sơ cơ, căn bản nhất từ con người này. Đó là tập viết bằng tay trái, tập cầm nắm đồ vật bằng cả tay thuận, lẫn tay không thuận.
Sự ứng dụng tôi từ việc tìm hiểu cuộc đời của “người con trai của Piero xứ Vinci” chỉ dừng lại ở một chừng mực hữu hạn như thế. Cho đến khi…
| 7.200 trang giấy |
… tôi mở ra quyển sách chấp bút bởi bởi tác giả chuyên thể loại tiểu sử, Walter Isaacson. Con số chương sách lên đến 33 khiến tôi bối rối một thoáng. Nhưng rất nhanh chóng tôi tìm được điểm khởi đầu cho hành trình của mình: Chương V với đầu đề “Leonardo’s Notebooks”.
Thông tin đầu tiên mà tôi nhận được đó là ông bắt đầu thói quen luôn giữ bên mình 1 quyển sổ tay để ghi chép vào khoảng thời gian chuyển từ quê nhà Firenze đến Milano. Nghĩa là vào độ tuổi 30. Ông viết bằng tay trái, từ phải sang, theo lối ngược (phải dùng gương soi mới có thể đọc nếu không quen). Hẳn nhiên ông không chỉ viết mà còn là vẽ. Ông kết hợp giữa văn và họa. Do giấy rất đắt ở thời bấy giờ nên ông tận dụng mọi khoảng trống, viết chi chít không thừa một chỗ dư.
Bất kỳ một đối tượng nhận thức nào cũng đều có thể trở thành nguồn cơn cho những dòng chép vẽ của Leonardo. Từ con người, trạng thái vật lý, trạng thái tâm lý cho đến thiên nhiên, loài vật. Không chỉ là phác thảo hiện thực. Sự chép và vẽ của Leonardo đi theo 2 câu hỏi chính yếu: như-thế-nào và vì-sao. Diễn tiến này minh chứng cho một trong những đặc điểm nổi bật của Leonardo. Đó là óc tò mò hay là lòng ham hiểu biết, hay là trái tim khát khao tri thức vô hạn.
Nhãn quan nhìn nhận được tôi luyện qua ngày tháng cộng với bút lực miệt mài trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ thiên văn học, sinh học, khí tượng học, thủy văn, địa chất, hình học, vật lý, giải phẫu học cho đến kiến trúc, hội họa v.v… đã khiến cho dung lượng của những trang giấy lên đến đơn vị tính không phải là hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn mà ước chừng lên đến hàng vạn.
Tôi vỡ lẽ thứ mà Bill Gates đã nhiệt tâm đánh đổi được gọi là “The Codex Leicester” và tập sách đặc biệt ấy cũng chỉ có 72 trang. Còn trong đời thực thì theo phỏng đoán được ghi chú ở phần phụ lục quyển “Leonardo da Vinci”, số trang nhật ký của Leonardo phải lên tới trên dưới 3 vạn. Tác giả Walter Isaacson trên thực tế đã dựa chính vào nguồn cấp là những trang vẽ chép hằng ngày của Leonardo (khoảng 7.200 trang) để hình thành nên “xương sống” cho câu chuyện tiểu sử của mình.
| Những nhà bảo trợ nghệ thuật |
Qua chỉ đúng một chương, tôi đã thâu nhận một khối kiến thức khổng lồ và cảm thấu thái độ làm nghề hết sức nghiêm túc và khoa học của Walter Isaacson. Ông chia các chương mục theo dòng thời gian cuộc đời. Đầu đề có thể là một địa danh, một con người hay là tên của một tác phẩm quan trọng của Leonardo. Tất cả việc phân tích theo từng chủ đề giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu những nguyên nhân gốc rễ đã tạo nên một thiên tài.
Trước hết, đó là nền tảng giáo dục từ thuở thiếu niên được sự điều hướng bởi gia đình. Thứ hai là nỗ lực tự giáo dục không ngừng của Leonardo. Thứ ba là môi trường lý tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tại Firenze. Thứ tư, điều tôi thắc mắc hơn cả, đó là sự hiện hữu của những nhà bảo trợ nghệ thuật. Thiện tâm của họ dù với một tâm địa sâu xa nào không rõ nhưng theo nhìn nhận của tôi, có thể xếp họ vào nhóm hoạt động nhân ái, hay còn gọi là “philanthropy”, dùng một lượng lưu kim nhàn rỗi đổ dồn cho việc bảo trợ các công trình khoa học, nghệ thuật. Đây là điều trước nay ít được bàn luận, trong khi theo tôi là một nhân duyên quan trọng cho sự ra đời của những thiên tài.
Những cái tên như Lorenzo de Medici, Charles d’Amboise, Ludovico Sforza, Cesare Borgia, Francis I là những dòng chảy tri thức về “art patron” mà tôi tiếp tục lần tìm qua từng chương sách. Đó là cách đọc của tôi. Một cách đọc không theo trật tự tuyến tính. Và tôi cũng tập ghi chép, tô vẽ tất cả những nhận định cũng như thao thức vào một quyển sổ tay. Đọc sách như một cách học và ứng dụng ngay liền. Đọc với ước ao về một môi trường giáo dục có sự chung sức của những thiện tâm…
…cho một Việt Nam của ngày mai, cho những nhân tài tương lai.
Nhiên
13.2.2019
T/B:
- Tôi vẫn đang suy nghĩ và muốn viết thêm cho bài "Khai bút Xuân Canh Tý" (2020) của mình. Lục tư liệu thì thấy có bài này. 1 năm trước tôi đã hoàn thành nó và trong dòng giới thiệu riêng tư thì lại ghi rằng "đây là bài viết khai bút đầu xuân". Nay cũng đang là tháng 2, chẵn tròn 1 năm từ ngày viết nên tôi đăng lại.
- Tôi viết bài này để dự một cuộc thi viết cảm nhận sách. Phần thưởng là quyển sách này. Tôi cầm sách đọc ở tiệm rồi kết hợp với việc tra cứu thêm tư liệu về sau. Kết quả là bài không ở ngôi cao nhất. Trong năm có người bạn đã mua bản tiếng Việt và có ý tặng tôi. Nhưng tôi thấy bạn cứ để trong nhà để gầy một tủ sách riêng thì hợp hơn. Thỉnh thoảng nếu có về Sài Gòn, ghé bạn tôi sẽ tìm đọc. Tôi nghĩ nếu được thì nên sở hữu luôn có bản gốc để có một cặp đối chiếu, làm giàu cho vốn từ và kiểm định tư duy ngôn ngữ của người dịch.
- Leonardo da Vinci hẳn là đối tượng mà tôi không thể không chú ý và đào sâu. Nhưng hiện tại tôi đang có những chuyên đề khác. Việc sở hữu tựa sách này với tôi thật sự chưa cần thiết lắm. Không thắng cuộc thi viết chưa hẳn là không hay! Có khi đó lại là nghịch chướng khiến tôi càng quyết tâm hơn! Không phải quyết tâm có được sách mà là quyết tâm luyện văn, tiếp tục học hỏi về nghệ thuật tự sự.
- Suy nghĩ về việc vì sao bài viết không đạt, tôi đoán rằng do cách viết của tôi đã đi chệch trọng tâm. Một bài điểm sách tốt là bài phải thúc đẩy được hành vi mua sách. Cần có một câu chốt, một sự kích thích tâm trí khách hàng. Có phải vậy chăng? Tiếc là khi viết tôi không hề có một tơ tưởng nào đến chuyện này. Bài của tôi thiên về lý giải cuộc đời Leo hơn là việc vì sao sách đáng cầm về. Thế thì, nó không hợp nhãn những người chấm giải là cũng đúng lẽ.
- Suy nghĩ về việc vì sao bài viết không đạt, tôi đoán rằng do cách viết của tôi đã đi chệch trọng tâm. Một bài điểm sách tốt là bài phải thúc đẩy được hành vi mua sách. Cần có một câu chốt, một sự kích thích tâm trí khách hàng. Có phải vậy chăng? Tiếc là khi viết tôi không hề có một tơ tưởng nào đến chuyện này. Bài của tôi thiên về lý giải cuộc đời Leo hơn là việc vì sao sách đáng cầm về. Thế thì, nó không hợp nhãn những người chấm giải là cũng đúng lẽ.