Tầng 3, Thư viện quốc gia, ngồi đợi mãi! Cuối cùng thủ thư cũng mang ra từ kho một quyển sách của thập niên 1960. Lọt thỏm trong phòng đọc rộng lớn chỉ lác đác vài bóng người, mình tôi tận hưởng mối giao cảm riêng tư giữa mình và người viết sách! Cảm xúc không đến nỗi trào dâng! Nhưng là một thoáng lặng thinh an tĩnh… khi từng ngón tay lần giở từng trang sách!
“…năm 1960, lúc còn ở Pháp, tôi có viết một tập sách nhỏ bằng tiếng Việt “Thể dục cho những người ốm yếu”. Tập sách này gửi về nước, được Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật in.”
Đây là đoạn trích từ trang 32, dòng 9, 10, 11, 12, quyển hồi ký của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (quyển “Ước mơ và hoài niệm, NXB Đà Nẵng, 2003). Quyển hồi ký tôi mới chỉ lắng đọc hồi đầu năm 2019. Đến một ngày Đông cuối năm, những hàng chữ kia đã hóa thành hiện thực trong tay cầm.
Tôi vẫn đang trong những ngày dần đọc, âm thầm đọc, đọc bằng hết tất cả những sách vở viết bởi danh xưng Nguyễn Khắc Viện. Từ cuốn này đến cuốn kia. Từ nguồn cấp phương Nam đến nguồn cấp phương Bắc. So sánh, đối chiếu, thống kê, phân tích v.v… bằng tất cả các phương pháp thẩm định văn bản tôi mong chạm vào một phần cái gọi là “thực tại Nguyễn Khắc Viện”, hình hài và tâm thức, những ngả đường tư duy của ông.
Trong buổi hôm nay, tôi có 2 nguồn để kiểm định. Một là quyển sách trên tay. Hai là quyển sách trong trí nhớ. Hẳn nhiên phần trí nhớ thì có thể kiểm tra chéo thêm lần nữa khi về đến góc sách lưu trữ tại nhà. Khám phá của tôi, có 2 khám phá, đó là giữa 2 nguồn đã xuất hiện sự sai khác.
Một là dựa trên bìa quyển sách đọc ở Thư viện quốc gia này, NXB đã in quyển “Thể dục cho những người ốm yếu” không phải là NXB Khoa học kỹ thuật mà chỉ là NXB Khoa Học.
Quyển hồi ký mà tôi đã trích 1 phần ở trên thực chất là những bài nói chuyện của bác sĩ Viện kéo dài khoảng 1 giờ mỗi tối những đêm 1993. Tổng cộng là khoảng 100 buổi. Sau đó, chúng được lược ghi và biên tập thành hồi ký. Hoặc là bác sĩ lướt qua một thông tin không quan trọng lắm. Hoặc là người nghe không chính xác dẫn đến phiên tả không chính xác. Tuy nhiên, tôi nghĩ sai khác này có thể chấp nhận được.
Khám phá thứ 2 đó là ở phần Lời giới thiệu, NXB Khoa học có chú thêm rằng “tài liệu này đã đăng liền trên 3 số báo Khoa học thường thức (số 23, 24, 25)”. Như vậy, với thông tin này, có thể hiểu rằng, nội dung quyển “Thể dục cho những người ốm yếu” chắc chắn có nguồn từ các bài viết của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông viết ở Pháp, gửi về Việt Nam. Tuy nhiên, bản thảo chưa được in thành sách ngay mà trước đó đã xuất hiện ở định dạng báo chí. Sau đó, NXB hỏi ý của ông để bổ sung thêm rồi mới dẫn đến quyết định in thành sách.
Trước khi dò ra quyển này, hình dung của tôi về dung lượng sách ở một con số phải hơn 100. Đến khi mắt trần tiếp xúc, thực tế không hề như dự liệu. Sách mỏng, rất mỏng, chỉ 16 trang. Tuy nhiên cũng như rất nhiều những quyển của ông mà tôi đã đọc, cảm giác thâu được vẫn là sự súc tích, sáng tỏ, ngắn mà đầy đủ. Nếu có đề cập đến cơ thể học, luôn luôn kèm theo đồ hình. Sách này cũng không ngoại lệ. Tuy chỉ 16 trang nhưng tóm lược đầy đủ 4 ý lớn về “luyện thở”, “thể thao”, “thư duỗi”, “tập luyện hằng ngày”.
Tôi đã tiếp cận với những lớp học yoga tiếp nối những lời dạy của Nguyễn Khắc Viện, cả giáo án lẫn người dạy, tôi đã xem băng phim tài liệu về ông, đã đi trên những con đường mang tên Nguyễn Khắc Viện, đã đọc các quyển “Từ sinh lý đến dưỡng sinh” được tái bản phải hơn 7 lần qua hơn 20 năm. Ý nghĩ phải tìm cho ra hình dáng nguyên gốc của cái gọi là “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” thành hình rõ nét sau từng tập sách. Giờ đây khi tiếp cận quyển sách này tôi tin rằng mình đã thật sự về nguồn.
Tập tài liệu này chắc chắn là nội dung sơ khai đóng vai trò nền tảng cho phương pháp dưỡng sinh về sau của bác sĩ Viện, phương pháp được chia sẻ trong các câu lạc bộ dưỡng sinh tại Hà Nội và Sài Gòn cũng như được in thành sách trong những thập niên 70, 80 sau đó.
Ngẫm nghĩ đến tựa sách “dành cho những người ốm yếu”, tôi đoán rằng ông viết trước hết cho chính mình. Nghĩa là ông viết từ chính trải nghiệm thập tử nhất sinh (ít nhất phải băng qua 7 lần ở trên bàn mổ). Sau những năm tháng phải chữa chạy căn bệnh quái ác, phải miệt mài luyện tập điều phục hơi thở, giam mình ở viện điều dưỡng cách ly xã hội loài người, sự bình phục đã mang tới cho ông niềm vui và lòng thương tưởng đến đồng bào nơi quê nhà, nơi vẫn đang chìm trong chiến sự và thiếu thốn về mọi mặt. Từ câu chuyện cá nhân, mong ước chia sẻ đã phóng chiếu thành hành động gửi về Việt Nam tập bản thảo đúc kết kinh nghiệm trị liệu của mình.
Tôi không biết liệu đây có phải là quyển sách sớm nhất được viết bởi một người Việt Nam về luyện thở cơ hoành (hệ thống hóa bằng hình vẽ và bài tập hướng dẫn cụ thể) kết hợp với các bài tập vận động kết hợp động tĩnh (yoga) hay không? Nhưng đến nay tôi chưa tìm được quyển nào sớm hơn. Và đây chắc chắn là quyển đầu tiên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về đề tài này dưỡng sinh (ở thuở ấy tại miền Bắc, thuật ngữ “yoga” chưa thông dụng).
Những ngày cuối cùng của tháng 12, năm 2019, tôi ngồi đọc “Thể dục cho những người ốm yếu”. Đọc không chỉ bằng tư duy mà còn y theo lời nhắc của sách thỉnh thoảng xếp lại sách và bắt đầu để tâm đến sự phồng xẹp của bụng và sự di chuyển của luồng hơi thở đang vào ra. Tôi giữ yên 2 chân, từ từ cúi đầu vào vùng đùi, thư duỗi cho đôi vai, 2 cẳng tay buông lỏng.
59 năm trước, cũng vào những ngày Đông của tháng 12 (chính xác là 15.12.1960), 6.100 quyển “Thể dục cho những người ốm yếu” đã ra đời tại một xưởng in ở số 73, 75 Hàng Bồ, Hà Nội.
#Nhiên
31.12.2019
~ Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện~
T/B:
- Trong thời gian ngồi đọc sách, tôi đã nảy nở một suy nghĩ. Đó là sẽ số hóa quyển này để gửi cho những bạn đã tham gia lớp huấn luyện yoga hồi giữa năm tại Đồng Nai. Hoặc bạn nào hữu duyên với mình trên con đường học hỏi và thực hành phương pháp dưỡng sinh.
- Nếu có ai ở Hà Nội quan tâm đến quyển "Thể dục dành cho người ốm yếu" thì có thể đến Thư viện quốc gia để lắng đọc. Sách thuộc Tổng kho (tầng 3 của thư viện), mã sách là VV61.06426.
- Tình trạng sách theo quan sát của tôi là đã không còn nguyên dạng. Sách bị rách bìa. Việc phục chế được tiến hành bằng cách làm lại bìa cứng và bìa đã rách được dán đè lên bìa cứng. Việc nhìn thấy bìa sách, chạm tay vào quyển nguyên bản là một diễn tiến quan trọng. Nhờ vào việc nay, tôi tin rằng việc tìm kiếm sách trong nhân gian sẽ có thêm xác suất thành công.