23.2.20

TÌNH | những thước phim trong suốt

Những thước phim trong suốt, Nguyễn Hữu Tuấn, Trịnh Lữ, Tủ sách điện ảnh, Sách điện ảnh, Đạm Nhiên, Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Góc sách, góc nghệ, Góc O
Đọc sách có những lúc tôi cười vui. Sảng khoái vì chất trào phúng chôn ngầm. Đôi khi lại bất giác đưa mắt vào vô cực. Lặng thinh. Men tình đang dần ngấm. Men ấy, tình ấy, lòng cảm thông, đôn hậu đang lưu chuyển. Như một con nước sạch trong dẫn tâm hồn yên chảy. Đâu đó. Không xa nữa. Phía trước. Chân trời xa rộng cao dài... 

  
… 3 giờ chiều lẻ ít phút, tôi đang đứng tại Tràng Thi. Có một rạp phim Việt cách đây mấy bước. Mà ngại lắm! Ngần ngà cứ chồng lên nhau! Thời gian này không muốn lạc vào một chốn nơi huyên náo đông người. Tôi hướng về phía bên kia. Thư viện quốc gia. Lúc này nắng trên cao. Dát sáng. Cả con đường lấp lánh, ánh lên. Tay lấy sách ra, quyển “Những thước phim trong suốt” mới mua từ sáng. Hơ sách dưới làn hơi ấm áp. Thấy bên trong một ước mong chân thật. Mong sao buổi giới thiệu sách 25.2 sang tuần vẫn diễn ra!

Tối đến và sáng sớm thứ 7 hôm sau, nghĩa là mất 2 buổi để đọc hết tác phẩm. Chỉ 248 trang. Nhẹ cân. Mềm giá. Nhưng sao mà nặng! Sách khiến mình se sắt. Lắm lúc le lói những tia vui. Sách khiến mình phải tự hẹn. Sẽ còn vài lần đọc nữa. Có khi phải đặt thêm vài bản cho 2 góc sách bé nhỏ ở Trung, Nam.

Hẳn là thể loại ? Nếu tưởng như hồi ký là một biệt phủ thì đây tựa như một đơn nguyên. Một khoảnh sân nhỏ trước hiên, hay một ô cửa, góc vườn. Để khi dừng chân, nhướn mắt vào đó, trái tim được ngơi nghỉ và tiếp chạm. Tiếp chạm với những cảnh xưa, người xưa, những lối ứng xử hay nếp nghĩ mà dường đã xa vắng đương thời. Điều quan trọng là xu hướng. Đi lên. Tâm tư hướng thượng đang rộn ràng.

Người viết đi nhiều. Khoảng đời du học ngành Hóa tại Thượng Hải. Khoảng đời học Phim tại Hà Nội. Khoảng đời phiêu du làm nghề. Không thấy khoảng đời định danh bằng những triển lãm cá nhân về sau. 3 trên 4 phần đời được sắp xếp theo một trình tự tuyến tính. Có khi cũng lắp ghép hoán đổi. Nhưng ít nhiều trong tương đối một trục tự sự song hành với dòng tiểu sử cuộc đời đã được thiết lập. 

60, 70, 80. Phần lớn là những gì đã in hằn trong ký ức của ba thập niên nghìn chín. Chúng lần lượt như những mảnh thực tại đơn nguyên được hiển lộ dần dần qua ngòi bút bộc bạch có khi hiện thực, có khi trữ tình. Chất kỳ ảo đến đột ngột như một gắng cố thoát ly khỏi miền văn học phi hư cấu. Nhưng rồi cũng chỉ 1 và 1 đơn nguyên ấy thôi. Sau đó trang sách lại trở về với dáng hình tự truyện. Có sự kiện, có con người và những khoảnh khắc vàng mười. Chi tiết sáng giá, tình huống đặc sắc. Đủ để thấy rằng Nguyễn Hữu Tuấn là một nghệ sĩ tạo hình có thực lực. Chất tĩnh, cô đúc trong nhiếp ảnh, chất hình, sống động trong điện ảnh đã lan luồn đến những trang giấy viết.

Ngôi kể được luân phiên giữa 1 và 3. Hẳn là một cách làm mới điểm nhìn trần thuật? Như một cách chơi vơi giữa con mắt hạn tritoàn tri. Không lạ, không mới nhưng thú vị. Thú vị không phải chờ lâu. Đến rất sớm. Còn vì cách kể. Có dụng công. Không thể nào chỉ là thản nhiên thưa kể. Vì những gì đắt, quý luôn ở phía sau cùng. 

Nhưng lời tự hẹn phải đọc lại sách không phải vì những thấy trông này mà quyết định. Tôi của độc giả trở thành tôi hay hắn của tác giả. Phản ứng đồng nhất ấy sở dĩ mà xảy ra là vì nguyên do lớn nhất: Tình. 

Tình người, thấu cảm giữa những phận người, những phóng chiếu đôn hậu cứ lẩn khuất đâu đó rồi sáng lên. Ấm. Nóng. Như mặt trời đã ở trong quả trứng. Điều khó nhất đã viên thành. 

Đi nhiều nhưng không đoạt chiếm hay trưng trổ gì. Chỉ có lòng trắc ẩn theo về, chất chồng lên, xếp cao lên. Phải chăng ý nghĩa chơn thiệt của sự đi là vậy? Viết hay bất kỳ nỗ lực tạo hình nào dường cũng thế cả? Chót vót, thăm thẳm, chung cuộc nào cũng là những khơi trong ấy. Khơi lòng nhân giữa dân tộc với dân tộc, giữa con người với con người. Nhìn thấy nhau. Thấu nỗi lòng nhau.

#Nhiên