22.11.22

Đọc "Nghệ thuật dessin" và xem tranh "Giấc mơ cụ Phan"

#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Góc sách, Đạm Nhiên, Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Viện, sách Nguyễn Khắc Viện, kệ sách Nguyễn Khắc Viện, Kệ sách Nguyễn Khắc Viện tại Đà Nẵng, Trung Tâm N-T, Vũ Thị Chín, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đình Đăng, Giấc mơ cụ Phan, Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Art & Physics: Parallel Visions in Space, Time, and Light, Leonard Shlain, Nguyễn Thị Xuân Phượng, Gánh gánh gồng gồng, Kỹ thuật vẽ sơn dầu, Nghệ thuật dessin

Nguyễn Đình Đăng. Danh xưng này đến với tâm trí tôi khi nào?

Sau khi dành thời gian (từ 2019) gầy dựng tủ sách Nguyễn Khắc Viện ở Đà Nẵng / Sài Gòn / Hà Nội, một trong những hay biết khiến tôi thích thú là thông tin về Trung Tâm N-T do ông thành lập. Ở đó tập hợp một đội ngũ bác sĩ giỏi. Họ vừa làm nghề vừa liên tục cho ra các công trình nghiên cứu. Trong số đó, tôi chú ý đến Vũ Thị Chín với giải thưởng Nguyễn Khắc Viện năm 1997 (tác phẩm “Mẹ và Con - Bước đầu tìm hiểu tâm lý sản phụ và quan hệ sớm mẹ con ở Việt Nam”). Tôi cố gắng tìm thêm các quyển sách khác của bà viết và chuyển ngữ. Hiện tại tôi có 3 quyển đều lưu giữ ở Sài Gòn. Các quyển khác nếu chưa thể tìm ra thì tôi sẽ vào đọc trong hệ thống thư viện công.

Đã có đôi lần tôi nảy sinh mong ước được gặp Vũ Thị Chín hay là những con người trí thức trong hội đồng khoa học của Trung tâm N-T  một lần, được lắng nghe họ kể về thuở cộng tác cùng nhau cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Dẫu vậy, tôi chưa gặp được người nào. Tôi mới chỉ dừng lại ở việc lần theo manh mối là các địa chỉ qua nhiều lần dời đổi của Trung tâm N-T tại Hà Nội và tiếp cận được một phần tủ sách N-T năm nào. Tôi chỉ có thể rõ mặt của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thông một số ảnh thu thập được từ sách, kho ảnh trên mạng và vài tấm được gửi từ nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Còn những cộng sự của ông tại N-T, tôi chưa nhìn thấy chân dung một ai cả. Vũ Thị Chín cũng vậy… Cho đến ngày tôi nhìn thấy bức tranh vẽ bà, không chỉ một mà nhiều bức qua các thời kỳ. Tôi rất vui mừng. Những bức ấy do Nguyễn Đình Đăng vẽ và đăng trên trang facebook cá nhân của ông. Ông là con trai của bà. Và tôi cũng mới biết gần đây (tháng 10) về việc ông đã từng tham gia vẽ minh họa cho một quyển sách của mẹ mình (1).

Nguyễn Văn Vĩnh cũng là một tiêu điểm khác mà tôi muốn gầy dựng tủ sách. Tôi chưa có nhiều sách của ông. Quyển đầu tiên trong số ít ỏi có được là “Lời người Man di hiện đại - Phong tục và thiết chế của người An-nam”). Trên ảnh bìa quyển này có in bức “Sự ra đời của chữ quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh”. Đây là một bức tranh sơn dầu được vẽ bởi Nguyễn Đình Đăng năm 2001. Sách in 2 năm sau khi tranh ra đời. Có lẽ tôi đã tìm được sách vào khoảng tháng 6 cũng năm 2019. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tranh của họa sĩ thông qua dạng in ấn.

2 nguồn cấp Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Khắc Viện (2) đã khơi nên ý thức của tôi về Nguyễn Đình Đăng. Thật lạ kỳ khi chứng kiến một tiến sĩ vật lý và một họa sĩ trong cùng một con người! Nhìn vào đời sống của Nguyễn Đình Đăng, tôi nghĩ ngay đến tựa một quyển sách đã được chuyển sang Việt Ngữ là "Art & Physics: Parallel Visions in Space, Time, and Light" của bác sĩ Leonard Shlain. 

Kể từ đó tôi bắt đầu mở lệnh tìm kiếm và ghi nhớ các trang thông tin của cá nhân ông đăng tải. Tôi tìm mua quyển “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” dù thật tình không biết liệu mình có đủ khả năng để hiểu các dạng kiến thức chuyên ngành mỹ thuật hay không. Thế rồi đến thời điểm này (tháng 11.2022), ông lại tiếp tục cho ra quyển thứ hai của mình, “Nghệ thuật dessin”. Từ khi biết tin, tôi hồi hộp chờ đợi thư thông báo xác nhận chỗ ngồi để dự buổi ra mắt. Thật vui khi vừa kịp đăng ký sau khi đường dẫn đóng! Và ngày thứ năm 17.11 trở thành một sự kiện trọng tâm của tôi trong tháng này. 

Buổi sáng thức dậy lúc 4:30, tôi đủ thời gian cho một thời tập yoga 2 tiếng nên tâm trạng lẫn thân thể đều ở trong sự sảng khoái và phấn chấn. Sự kiện diễn ra ngay trên lộ trình của tuyến bus 14 miền Tây - miền Đông nên rất thuận lợi cho tôi, một người chuyên đi bộ. Tôi chỉ phải di chuyển khoảng 300m là đã ra điểm đón xe. Trạm xuống là Ngã Sáu Cộng Hòa. Chỉ vài bước chân là đến nơi. Khi ra về, chỉ cần đi một đoạn đến ngã tư bệnh viện Từ Dũ, băng đường là có trạm để bắt xe. Đã quen đi bộ, đi bus nên tôi không muốn mang vác gì nhiều để hoàn toàn hướng tâm vào việc thưởng thức thú đi bộ. Không phải lúc nào lộ trình cũng tiện như vậy. Có lúc tôi đi khoảng 2 cây số mới có trạm bus. Đó cũng là giới hạn của tôi. Nếu xa hơn tôi sẽ tìm cách khác. Quãng đường đi bộ ngắn hôm nay giúp tôi rất nhiều, nhất là khi lúc ra về tôi phải mang theo quyển “Nghệ thuật dessin” đã mua trực tiếp tại quầy với cân nặng khoảng gần 6kg, khổ ngoại cỡ. Lần gần nhất tôi gặp một quyển tương tự thế này có lẽ là quyển “Lịch sử kinh tế Việt Nam” của Đặng Phong. 

Đã nhiều lần tôi đi qua đoạn đường Hồng Thập Tự với cây cao hàng dài này. Nhưng vỉa hè không rộng. Đây lại là tuyến huyết mạch nên mật độ xe đông và ô nhiễm tiếng ồn. Mãi đến hôm nay, nhờ buổi ra mắt sách diễn ra ở lầu 4, tôi mới có được một điểm tựa an toàn để điềm tĩnh ngước lên nhìn nắng chiếu và thâu nhận những mảng màu xanh mướt vốn dĩ đã ngày càng ít đi của thành phố. 

Không lâu sau khi yên vị, tôi thấy một bà lão bước vào. Bà ngồi ngay trước tôi. Đó cũng là một người mà tôi đã dõi theo, một người mà tôi xác định rất quan trọng trong thế giới mỹ thuật: chủ một phòng tranh. Tôi cần bà, một công dân toàn cầu thứ thiệt, như một nguồn cấp để có thể rón rén tìm đường bước vào thế giới mỹ thuật. Quyển hồi ký “Gánh Gánh Gồng Gồng” của bà đã khiến tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Sách ra mắt năm 2020 và tôi đã kịp đến Gallery Lotus ở quận 1 để xin chữ ký lưu niệm. Nay dường như Lotus đã chuyển về quận 7. Vừa rồi tôi đã định đến xem triển lãm một lần nhưng vì trời mưa nên đành dời lại. Nay được trông thấy Nguyễn Thị Xuân Phượng lần nữa tôi thấy vui vì bà vẫn khỏe nhưng đồng thời cũng thật ái ngại khi một bà lão hơn 90 tuổi phải leo hết 4 tầng lầu để đến được chỗ ngồi. Ngay khi vừa tới nơi tôi đã thấy việc tổ chức ở lầu cao sẽ là một bất tiện cho những người ở tuổi lão niên. Tôi ngờ ngợ hình như ở các nhà sách Cá Chép khác có thiết lập thang máy. Thật không may là ở nơi này không có! Một chút bận tiện khác nữa là nơi tổ chức có quầy nước giải khát ở phía bên phải. Ở phía sau ngay lối đi lên là nơi các nhân viên tập kết sách. Ở trong khoảng 15 đến 30 phút đầu sự kiện, các âm thanh sột soạt khui mở nylon ở điểm giao sách cho người mua cũng như tiếng máy rung o o, tiếng nước đá rạt rạt ở quầy nước trộn lẫn với lời nói của tác giả đang thuyết trình. Điều này khiến tôi không thoải mái vì sự tập trung bị phân tán và trên hết là ý nghĩ: ở đây chỉ có tiếng của tác giả là âm thanh duy nhất tôi muốn nghe. 

Trong phần giao lưu, tôi có hỏi họa sĩ về tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên của ông. Theo đó, tôi mong được biết đâu là những ảnh hưởng, những quyết định từ cha và mẹ đã khiến ông đi theo ngành mỹ thuật. Phần trả lời tuy ngắn nhưng giúp tôi thêm nhiều thông tin quan trọng. Cha ông là giáo viên toán, học ở Pháp về và vẽ rất đẹp. Cha ông đã dùng tài vẽ để bổ trợ cho việc dạy học. Nguyễn Đình Đăng đã bộc lộ tài vẽ từ rất sớm ngay trong giai đoạn mầm non và ông đã được gửi tới học vẽ ở nhà bà Khang số 108 Quán Thánh. Tại đây, có lần con bà Khang là họa sĩ Trịnh Lữ đã vẽ chân dung Nguyễn Đình Đăng (tuổi 12). Ông còn nói thêm một số điều nữa nhưng tâm trí tôi hơi bị xao lãng một chút với con số 108. Địa chỉ này tôi cũng đã từng tới. Chắc chắn rằng Trịnh Hữu Ngọc cũng là một tiêu điểm để tôi tìm hiểu, về sự nghiệp, về hãng MEMO và nhất là lối giáo dục con cái. Tôi cũng đã được ngồi làm mẫu để họa sĩ Trịnh Lữ vẽ chân dung mình (tuổi 36). Thật vinh dự cho tôi, một người ẩn mặt ẩn tên, lại có được cơ hội góp dự vào dòng thời gian của những người tôi ngưỡng mộ và luôn mơ ước!

Cuốn sách "Nghệ thuật dessin" chỉ dày khoảng hơn 700 trang. Sẽ không mất nhiều thời gian để đọc! Thế nhưng để thấm nhuần những gì tác giả đã viết thì chắc chắn phải có thời gian thực hành hội họa ở mức thiện nghệ. Đọc, vẽ, so sánh, nghiền ngẫm rồi lại đọc, vẽ. Tôi khó mà có được điều kiện lẫn năng lực để dự vào tiến trình đó. Thế nên tôi chọn đọc sách từ chương 6 "Nghiệp vẽ dessin của tôi" để phần nào hình dung cuộc đời của Nguyễn Đình Đăng, nhất là đoạn đời mà tôi quan tâm nhất: tuổi nhi đồng cùng các yếu tố đã ảnh hưởng đến tình yêu của ông với dessin. Khi đọc chương này tôi rất vui khi thấy từ khóa "Nguyễn Khắc Viện" xuất hiện 3 lần và hiểu thêm nữa yếu tố tâm lý gia đình trong những năm tháng ấu thơ đã hình thành nên tâm hồn của tác giả. Chưa thể đọc hết toàn bộ nhưng tôi thấy đây là một quyển sách được hiệu đính rất kỹ. Một công trình công phu thật sự. Chỉ nhìn vào phần Chỉ Mục thôi đã khiến tôi thích thú rồi. Có lúc tôi tra ở đó. Có lúc tôi lại vào trang cá nhân của ông ở khung tìm kiếm và lại tra thêm. Rồi sau đó lại quay lại với sách. Tôi nghĩ trang của ông cũng là một quyển sách. Sách lớn. Còn sách trong tay tôi là sách nhỏ. Hai quyển đều bổ trợ cho nhau. 

Buổi sáng mang sách ra về. Lòng vui chưa dứt đến chiều tôi lại đi thêm 1 cây số để bắt xe 145 và xuống ở Lăng Cha Cả. Từ đây tôi xuyên các con hẻm nhỏ để lấy một lối đi yên bình (khoảng 500m) cho người đi bộ và thong thả bước qua cổng của khu lăng mộ Phan Châu Trinh. Từ 15:30 đến 17:00 sẽ là buổi ra mắt bức "Giấc Mơ Cụ Phan" của họa sĩ (3). Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn trực tiếp một tác phẩm sơn dầu vẽ bởi Nguyễn Đình Đăng. Tôi có hỏi ông thêm 1 câu và đứng đó để nghe thêm phần nói chuyện của ông với những người khác đã đến dự. Đã từng đi qua khu mộ này nhưng nay mới là lần đầu tôi bước vào bên trong. Đây quả là một chuyến bus mang ý nghĩa lớn đối với tôi! Mong rằng ở những lần sau trở lại xem tranh, khả năng cảm thụ của tôi sẽ tốt hơn! Nhờ có sách, tôi tin mong ước của mình có cơ sở.

#vudamnhien

*



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét