27.7.22

Sự kiện tại Huệ Quang và 2 cuốn Kiều của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Góc sách, Đạm Nhiên,  Thầy Nhật Chiêu, Nhật Chiêu, con mắt Pháp Tố Như, Triển lãm Truyện Kiều, Truyện Kiều, Nguyễn Du, Thư Viện Huệ Quang, Thư Quán Huệ Quang, Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Viện, Kiều bản dịch tiếng Pháp 1965 của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Truyện Kiều và Nghiên cứu sáng tác văn học, học tiếng Pháp, bản Kiều xưa nhất, tủ sách Nguyễn Khắc Viện, kệ sách Nguyễn Khắc Viện, Kệ sách Nguyễn Khắc Viện tại Đà Nẵng

1. Một sinh hoạt đáng mong đợi từ lâu

Thật hào hứng khi cuối cùng cũng có một hoạt động liên quan đến sách (tọa đàm kết hợp triển lãm) diễn ra tại quận Tân Phú! Địa điểm là Thư Viện Huệ Quang. Đây là nơi giáp ranh với quận 11, quận 6. Điểm giao như ngã ba này rất thiếu thốn các sinh hoạt tương tự.

Với tôi, hào hứng càng nhân đôi khi để đến được nơi tổ chức (Thư Viện Huệ Quang) tôi có thể đi xe đạp. Tôi cũng hoàn toàn có thể đi bộ nếu dư thời gian và thời tiết thuận lợi. Còn không thì như các buổi học tiếng Phạn trước đây tại chùa này, tôi có thể đi bus 32. Dừng ở ngã tư Hòa Bình rồi lội bộ ngược lại. 

Con đường dẫn lối chạy dọc theo phần cạnh sau của Công Viên Đầm Sen. Đoạn đường rất yên bình, ít xe, không ô nhiễm tiếng ồn và có nhiều điểm dừng giàu ý nghĩa. Tôi có thể biến từng buổi đi như thế này thành một chuyến du lịch có tính học tập thực thụ.


2. Căn lửng thư quán nơi tổ chức tọa đàm

Buổi nói chuyện bắt đầu vào lúc 9 giờ. Tôi đạp xe gần sát giờ do trên đường đi có dừng lại vài điểm.

Thư quán Huệ Quang tôi đã nhiều lần đến. Đây là nơi bán sách. Thư viện ở một tòa nhà khác và nằm trên lầu cao. Các quyển truyện Kiều được trưng bày ở đó mà ban trưa lát nữa tôi sẽ lên tham quan. 

Buổi tọa đàm diễn ra ở tầng lửng của thư quán theo thế ngồi bệt. Chưa bao giờ tôi ngồi ở đây. Khi lên, thấy chỗ ngồi cũng gần lấp kín. Tôi chủ động đi vào tận trong góc kẹt để còn chỗ trống cho người đến sau. Nếu không tự ý thức ngồi theo kiểu lấp kín từ trong trước thì người sau sẽ rất khó xử.

Ngồi trong kẹt nhưng không ngờ nhìn lại thì thấy có kê bàn trà, có ấm trà trong trái dừa, có hoa sen cắm, có trầm bay bay. Lâu rồi mới hưởng được một chút thiền vị nhân tạo như vậy! Sáng chủ nhật hay bất kỳ sáng nào được ngồi ở đây làm việc thì chắc là rất hợp với tôi. Chỉ cần 1 chỗ ngồi và ly trà nóng là đủ!


3. Bài nói của thầy Nhật Chiêu

Tôi đã quen thuộc với lối thuyết trình của thầy Chiêu. Nhưng cũng có mấy phen giật mình khi thầy tăng âm lượng đột ngột để đọc một vài câu thơ trích dẫn nào đó từ nguồn ca dao dân gian hay trước tác nào đó của Phật Giáo.

Chủ đề hôm nay là "Con Mắt Pháp Tố Như". Hôm nay tôi cũng thử nghiệm chiếc bàn phím gấp mới của mình khi chiếc cũ đã hỏng. Hễ khi có một câu thơ trích dẫn nào hay thì tôi lại gõ vào để về sau dễ tra cứu. Thầy Chiêu muốn giới thiệu phần uyên thâm của ca dao mà trước nay cảm tưởng như đại chúng chỉ tiếp cận đến phần bình dân. Thầy có nhắc đến quyển "Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam" của Vũ Ngọc Phan. Tôi có quyển này. Sau buổi này sẽ về đọc lại. 

Ý chính trong bài của thầy Chiêu tôi có ghi lại. Các phần bình nghiêng về Phật giáo thì không đi vào tôi nhiều lắm. Giai đoạn này cơ thể tôi tự động bật cơ chế miễn dịch tự nhiên với các bình giảng của Phật Giáo. Việc Nguyễn Du có đọc kinh Kim Cang cả ngàn lần với tôi cũng không quan trọng lắm. Con số là có. Nhưng ông đọc bằng kỹ thuật gì với tôi mới là câu hỏi. Mà điều này chắc khó mà ra được câu trả lời. Ông kiệt xuất về ngôn ngữ. Tôi chỉ tập trung vào đó. Còn các luồng ý kiến khác tôi chỉ dừng ở lắng nghe tham khảo chứ không sa sâu vào.

Một điều lý thú mà tôi ghi nhận là thầy Chiêu nói có điểm dừng và căn chỉnh thời gian rất chính xác. Dừng 1 nhịp để giải lao. Rồi khép lại để vào giờ cơm chay. Quả thật là một người điêu luyện trong phép nói!



4. Bữa cơm chay tại chùa.

Đối diện thư quán hẳn là khu chánh điện. Nơi này có lẽ đã gần hoàn tất mọi hạng mục. Đây là nơi để sẵn các bàn ăn. Không hiểu sao mọi người không ăn cùng lúc. Tôi đi lên lầu nhìn thử các quyển Kiều rồi xuống ngay để dùng cơm.

Món hôm nay dường như là bún riêu chay. Giờ ăn là khoảng 11:30 nghĩa là không trễ lắm so với giờ ăn thường nhật của tôi. Tôi hay ăn vào lúc 11:00. Được ăn chay dĩ nhiên là thích. Tham gia tọa đàm rồi lại bước thảnh thơi qua bàn ăn thì là một sự kiện hiếm. Thường nếu tổ chức từ sáng kéo dài đến trưa mà có dùng bữa thì tôi thấy giá thị trường khoảng 300.000đ. Không biết khung giá từ thấp đến cao là bao nhiêu thời điểm này? 

Đây là chùa nên chắc là có nguồn quỹ từ bá tánh cho các hoạt động này. Tôi thấy có đội ngũ phục vụ riêng. Họ có lẽ đã đến từ sớm. Đây chắc là nhóm Phật tử chuyên công quả tại chùa. Thức ăn bày sẵn ngoài món chính thì có thêm trái cây và nước ngọt. Khi ngồi vào thì sẽ có người mang tô bún nóng hổi ra. Tôi rất cảm kích và ăn hết một dĩa rau kèm. Thứ nước màu đóng chai tôi không uống vì không quen.

Tôi ăn chay nhiều năm nên rất hứng thú với bữa này. Tuy nhiên trên đường về thì thấy lưỡi hơn dợn dợn rất khó chịu. Không biết gia vị có nhiều bột ngọt không? Tôi không quen với lối nấu chay như vậy. Nấu như thế nào thì tôi không biết. Nhưng ăn xong thì thấy ngay sự khang khác nơi đầu lưỡi.

Buổi này tôi cũng cố ý không nói chuyện khi ăn và hầu như im lặng từ khi đến rồi rời. Tôi muốn duy trì trạng thái lắng nghe tiếp thu và tránh đi vào luận bàn phân giải vì đó không phải là vị trí của mình và cũng gây nên phân tán làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc lữ lần này. 


5. 2 quyển sách của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Sách được bày trong toàn bộ lối vào và bàn đọc tại thư viện. Có quyển trong lồng kín. Có quyển đặt trên bàn và trên kệ.

Bản in xưa nhất trưng bày ở đó có lẽ là bản năm 1888.

Thời gian đã quá giờ trưa nên tôi không ở lâu để xem kỹ. Tôi đi một vòng. Tiếp theo là có ý tìm 2 quyển của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Thật vui là đều có cả 2 quyển. 

Quyển trên kệ có tựa là "Truyện Kiều và Nghiên cứu sáng tác văn học" in năm 2007 (NXB Văn Hóa Sài Gòn). Hồi năm đâu như 2019, tôi đã lùng quyển này. Tìm mãi không ra nên bí quá nhắn tin hỏi ông Nguyễn Khắc Phê. Cuộc trao đổi qua lại bằng tin nhắn messenger có lẽ là một duyên trung chuyển trên hành trình tìm sách cho chuyên đề Nguyễn Khắc Viện của tôi. Vì sau đó ít lâu thì tôi đã tìm mua được. 

Tôi để quyển này ở lại Đà Nẵng. Tôi có ý lập một kệ sách Nguyễn Khắc Viện tại thành phố này. Dĩ nhiên là tôi không đủ nguồn lực về tiền, người để triển khai. Tôi cứ tích góp từng quyển và ẩn dấu từng quyển ở đó để nuôi mộng từng ngày.

Quyển thứ hai nằm trên bàn là quyển "Kiều" (bản dịch Pháp ngữ) in năm 1965, trong đó có thêm 2 bài tiểu luận nữa. Quyển này được đánh giá cao. Tôi cũng có ý tìm nhưng thấy giới buôn sách nâng giá nên tôi không mua. Nay mới là lần đầu được chạm tay vào. Sách có khổ to hơn thông thường  một chút. Lần giở vài trang, tôi rất cảm động. Tôi đã bắt đầu học tiếng Pháp trở lại. Học theo kiểu ôn tập từ vựng mỗi ngày ít nhất 15 phút. Đây sẽ là kỷ niệm in dấu cho đường học của tôi.


*

Đợt này sẽ là chuỗi nói chuyện kéo dài 3 buổi về Kiều. Tôi sẽ đi tiếp buổi thứ 2. Còn buổi thứ 3 thì không đi được. Rất cảm kích những ai đã đổ công vào sự kiện này. Xin cảm tạ và mong sao sẽ có thêm nhiều hoạt động tương tự tại khu vực giao của Quận 6 - Quận 11 - Quận Tân Phú này! 

(...sẽ còn cập nhật)

Vũ Đạm Nhiên
27.7.2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét