13.12.22

Về quyển Tản Mạn Kiến Trúc Nam Bộ

Tản Mạn Kiến Trúc, Tản mạn kiến trúc Nam bộ - một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX), Vương An Nguyên, Trương Trần Trung Hiếu, Góc Sách, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Nhiên,

1. Tôi chú ý đến Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT) từ…

… các chương trình bách bộ mà nhóm này tổ chức trong năm nay. Các bạn không tạo thành mục Sự Kiện trên fanpage mà đăng thành dạng bài viết kèm đường dẫn đăng ký. Tôi thấy nhiều buổi có nội dung hay, tổ chức rất gần chỗ mình hoặc tiện đường di chuyển đến bằng bus. Tiếc là tôi không sắp xếp được để dự.

Trọng tâm của đời sống tôi là đi bộ. Càng về sau điều này càng hiện rõ. Tôi muốn thiết kế đời sống dựa trên tâm lý của một người đi bộ. Thế nên những thể thức như TMKT hay bất kỳ tổ chức nào tạo ra chắc chắn khiến tôi lưu tâm.


2. Bài tôi thích nhất của nhóm TMKT trên fanpage

… là bài “Các thị huy một thời của các thành phố lớn Việt Nam”. Tác động rõ nhất là ngay sau bài này mỗi lần đến Bưu Điện Thành Phố tôi không khỏi ngước nhìn lên chỗ bức tranh mà vị trí vốn dĩ từng có thị huy Saigon ở đó. Chẳng hiểu phía sau bức tranh che đó có còn vết tích của thị huy không.


Một bài khác mà tôi cũng rất thích. Đó là bài về công viên Hòa Bình. Bài này tôi đọc được từ trang web lưu trữ của TMKT.


Giai đoạn này tôi vẫn còn đang trong niềm say mê với bộ phim “Decision to leave”. Có ý muốn xem tận mắt một họa tiết Hàn Quốc hay một ấn tượng thị giác đặc trưng ngay trong lòng Saigon. Chẳng ngờ kết quả lại có ở nơi tôi ngang qua hằng ngày. 


3. Tôi nằm trong nhóm độc giả đặt mua sách đầu tiên…

… khi TMKT thông báo phát hành quyển “Tản mạn kiến trúc Nam bộ - một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX)” vào cuối tháng 10. Đến khi có sách, chỉ đọc vài trang là tôi đã rất thích thú. Cách khai triển như một quyển sách kiến trúc kiểu mẫu gợi ra trong tôi nhiều đồng cảm. 

Chẳng hạn, tôi tin rằng một ngôi nhà thật sự thì cần có những đường biên mềm, cần có một vùng đệm để khi đi từ lộ vào con người có đủ thời gian, không gian để chuyển từ trạng thái động sang tĩnh. Từ lao xao của bụi, của ồn, tôi đi qua một vùng trung gian để trở về với niềm yên an tĩnh. Giai đoạn chuyển trạng thái từ chức năng đi lại ở ngoài phố đến chức năng cư ngụ ở trong nhà với tôi rất quan trọng để tạo nên thế quân bình trong tâm lý. Cái cảm giác này tôi không thu được từ học thuật, nghiên cứu mà là chính sự sống của mình. Đến độ tuổi này, tôi thấy cảm giác đó là cần thiết hay đúng ra đó là một điều bình thường trong nhịp sống của con người. Tiếc là nhìn lại những năm tháng quá vãng, tôi đã nếm quá nhiều những sự bất thường. 

Tôi đang có nhu cầu lớn để tổ chức lại đời sống. Một trong số những mạch dẫn để tôi bắt đầu chính là tổ chức lại không gian. Không gian để học, để lao động, để luyện tập, để phục hồi v.v…Không đủ tiền để có quỹ đất, để có thể xây nhà thì có thể tìm tới những ngôi nhà “thứ thiệt”, ngồi ở đó, trầm tư ở đó, học hiểu ở đó trong một thời gian hữu hạn là cách để tôi bước tiếp. Cầm trong tay quyển này cũng là một cách tương tự.


4. Buổi gặp gỡ và ký tặng sách…

… vào ngày thứ 7, 12.11 là dịp lần đầu tiên tôi bước vào không gian Nam Thi House, quận 1. Đã nhiều lần đi bộ ngang đây mà chưa có dịp vào. Tiếc là khi tôi đến thì đã gần 19:00 nên không được dịp ngồi ngắm cảnh chuyển giao chiều tối ở đây. 

Ban đầu tôi nghĩ đây sẽ là buổi tọa đàm giao lưu độc giả. Khán giả ngồi dưới, tác giả ngồi trên. Thế nhưng thể thức hôm nay hơi khác. BTC đặt một bàn dài để cho 7 tác giả ngồi và độc giả có thể đi lên theo tuần tự hết 1 lượt từ trái sang phải để có chữ ký và có thể trò chuyện trực tiếp thoải mái với nhóm tác giả. Nội dung chương trình là vậy. Không có thuyết trình bảng biểu. Thấy ai có vẻ hợp thì có thể chào hỏi, bắt tay làm quen! Rất tự do! Tôi có chút bất ngờ vào cách làm này. Trải qua này khiến tôi nhớ đến những lần tham gia các buổi ký tặng của lễ hội fiesta của các nhóm sáng tác truyện tranh. 

Sau buổi này, tôi mua thêm 1 bản nữa để đem tặng. Có chút lo lắng vì không biết sách có hợp với người được tặng không. Riêng tôi thì vẫn chưa đọc hết sách. Sự yêu thích sách phần lớn đến từ trực giác, chưa qua nhiều lớp suy nghĩ thấu đáo.


5. Buổi ra mắt sách chính thức…

… được tổ chức khoảng 1 tháng sau, cũng là thứ 7, ngày 10.12 vào lúc 9:00 tại Vườn Thảo Điền, quận 2. Địa điểm này không tiện đường với tôi lắm. Tư tưởng không đi và đi cứ tranh giành nhau. Cuối cùng tôi cũng đã đi. Một phần quan trọng dẫn đến quyết định là có nhiều địa điểm ở quận 2 tôi rất muốn xem xét nên kế hoạch của tôi là sau buổi này sẽ đi bộ, dùng bước chân để lưu giữ một chút ký ức với khu vực này. 

Địa điểm theo mô tả là một “khu vườn thanh bình miền Nam” nên tôi cũng muốn đến xem thử thực hư thế nào.

Trong tuần lễ này, tôi cũng đã kịp đọc xong toàn bộ 279 trang sách để có sự chuẩn bị tốt nhất trước ngày thứ 7. Ít nhất tôi đã hình dung được dòng thời gian của tiến trình kiến trúc nhà ở dân dụng miền Nam trong khoảng 100 năm gần nhất (từ nhà lá đến nhà gỗ truyền thống và sau đó là các dấu ấn ảnh hưởng từ phong cách Đệ nhị đế chế, Art Deco, Chủ nghĩa hiện đại). Thêm nữa, việc định vị các căn nhà theo tỉnh thành ở cuối sách rất hữu ích với tôi vì nhìn vào đó tôi hình dung được dấu chân thực địa của nhóm. 


6. Bộ 3 câu hỏi

Trong khi ngồi chờ sự kiện bắt đầu, tôi viết xuống 3 câu hỏi mà 2 trong số đó đã được ngẫu nhiên trả lời trong phần thuyết trình. Còn lại một câu thì lúc giơ tay đặt câu hỏi tôi lại quên không hỏi mà lan sang một chủ đề khác. Câu hỏi chưa được đặt đó là…

- Thành viên nào giữ vai trò
liên lạc để cả nhóm giữ được sự kết nối 
hay là đóng vai hòa giải khi có mâu thuẫn xảy ra 
hay là có tiếng nói mỗi khi cần một quyết định?



7. Tư duy liên ngành

Tôi có ý hỏi như vậy là vì rất thích khi biết (mục 4 ở trên) có đến 7 người tham gia vào việc viết sách này. Đó là…

Trương Trần Trung Hiếu
Nguyễn Trần Trọng Nghĩa
Vương An Nguyên
Trần Nguyễn Tuấn
Nguyễn Chí Thành
Nguyễn Duy Linh
Phạm Nhật Tiến

Các bạn có lẽ đều sinh vào khoảng thập niên 90. Như vậy, các bạn trưởng thành trong giai đoạn Internet và nhất là mạng xã hội bùng nổ. Các chuyên ngành của các bạn là lịch sử, kiến trúc, nhân học, du lịch, nghệ thuật… Việc một nhóm đến từ nhiều ngành và có thể cộng tác được cùng nhau là một diễn biến rất đáng xem. Tôi hình dung nếu ngồi trong một nhóm như vậy thì sự khiêm nhường luôn được nuôi dưỡng và tâm trí sẽ luôn được khai mở. Và có lẽ sẽ có nhiều phiên lắng nghe với các góc nhìn đa ngành, hội đàm với tư duy liên ngành và sau cùng là tìm ra một lối triển khai nhờ vào việc đã xuyên thấu từng lớp tư duy đó. Tôi rất tin rằng với lối tiếp cận như vậy thì các vấn đề nhức nhối lâu nay như bảo tồn di sản, quy hoạch đô thị, ô nhiễm tiếng ồn, beton hóa v.v… mới có cơ may tìm thấy một lối ra thực sự. 


8. Đằng sau lời thuyết trình

Buổi 10.12 này không có đủ 7. Chỉ có 3 thành viên cầm micro. Vì thời lượng của Trương Trần Trung Hiếu và Vương An Nguyên nhiều hơn cả nên tôi được dịp lắng nghe kỹ và cảm nhận về phong cách thuyết trình của 2 bạn. Với Hiếu tôi thấy gần gũi hơn. Lời của bạn có lẽ hợp với tâm lý cảm thụ của tôi. Dòng âm thanh từ bạn có phần hiền lành, khiến tôi dễ tiếp nhận và thoải mái. 

Với Nguyên, tôi nhận ra trong lời của bạn có sự nhấn nhá, trầm bổng sắc nét hơn. Khả năng kiểm soát nội dung nói của bạn rất tốt. Bạn thường ngắt quãng để dò hiệu ứng đám đông. Thỉnh thoảng bạn xoay xoay micro khiến tôi cảm giác việc nói trước công chúng của bạn đã nghiêng sang tính biểu diễn. Trong chất giọng của bạn có nhiều sức nặng khiến tôi nhớ đến bản thân mình. Trước đây, có lẽ tầm 10 năm, tôi đã được nghe một nhận xét là trong chất giọng của mình có sự áp đảo và tính khẳng định cao. Chắc chắn đây không phải là một lời khen. Và tôi không thấy dễ chịu lắm khi nghe một lời như vậy về mình.

Tôi hoàn toàn cho rằng khi đã gặp một chủ đề ưa thích thì tôi dễ rơi vào trạng thái hưng cảm, không còn đều đều từ tốn và lời sẽ tuôn theo cảm xúc. Tôi không mấy tin rằng mình đang có ý nhấn chìm người nghe, không cho họ khoảng không để ngẫm nghĩ hay dồn họ phải thế phải tiếp nhận thụ động. Nhưng nhận xét đó đã ở lâu trong tôi. Không thể thay đổi cảm nhận người khác về mình. Tôi dò xét mình thật kỹ và sự điều chỉnh có lẽ đã diễn ra theo thời gian. 

Hôm nay được ngồi lặng lắng giữa dòng âm thanh của 3 bạn đặc biệt là Nguyên và Hiếu thì thành thật là tôi thấy mình gần với Hiếu hơn. Đây chỉ là cảm nhận chỉ có giá trị trong buổi này. Từ cảm nhận có nhiều phần là cảm giác này chắc chắn cần phải có thêm nhiều lần nghe thì mới có những đúc kết chính xác hơn. 


9. Con số xuất bản

Theo tôi biết sách đã tái bản lần I, ở Việt Nam tôi nghĩ sách phải lên con số trăm vạn mới thật là cuốn sách sống thật sự (với ý nghĩa thương mại). TMKT là một dự án có tính cộng đồng hướng đến mục tiêu cung cấp thông tin di sản cho người trẻ. Với một đường hướng lành mạnh như vậy tôi hy vọng rằng con số doanh thu tiêu thụ sách sẽ tiếp tục nhảy trong thời gian tới và càng về sau dòng tiền càng mạnh để nhóm có thể giữ sống được dự án.

Tôi thấy nhóm đã có thêm mặt hàng móc xâu chìa khóa, đây giống là một hình thức sản phẩm ăn theo dạng Merchandise. Tôi cũng đã có 1 chiếc như thế làm kỷ niệm. Tôi chờ mong được thấy những bước phát triển tiếp theo trong hệ sinh thái này. 

Vũ Đạm Nhiên
13.12.2022


10. Gợi ý về sách nói

Không biết nhóm đã có ý xuất bản sách nói chưa. Việc dùng sách nói nghe qua tiện ích trên điện thoại có trả phí đã dần dần thành nếp trong một bộ phận không nhỏ độc giả. Bản sách này nếu có thêm phiên bản audio thì tôi nghĩ sẽ có thêm lượng người tìm mua.

Vấn đề sách có nhiều tranh ảnh minh họa thì tôi nghĩ đơn giản là có thể kèm mã qr trong từng chương hoặc từng đề mục. Nếu đã nghe nội dung, có sự ưa thích thì người đọc sẽ tiếp tục quét mã để đến trang ảnh. Trang này có thể lưu ở trang nguồn TMKT. Như vậy là hệ thống nội dung đã có thêm một vòng tròn các siêu liên kết giúp giữ chân những người yêu mến lâu hơn.

14.12.2022


11. Bên trái cuối đường số 11

Tầm 8:55, khi đến ngã tư đường số 11 và Lê Thước thì tôi quẹo phải. Nhìn theo số nhà thấy giảm dần thì quay đầu đi ngược lại. Vì địa chỉ là số 34 nên cứ đi và nhìn vào dãy nhà bên phải. Dự cảm đường khó mà có địa chỉ đến số 34. Đến cuối đường thì thấy một tòa chung cư đang rần rần tiếng chát chúa (chắc là từ dụng cụ khoan đục). Lúc này phía đối diện có một nhà hàng với mái ngói thấp rất ấn tượng. Anh bảo vệ ở đó rất niềm nở và thân thiện hỏi tôi tìm "Vườn Thảo Điền" phải không. Thế là anh chỉ ngay sang cạnh. Đi thêm vài bước là tới. Thật là lạ, số chẵn nhưng lại nằm bên trái!

Quãng đường di chuyển của tôi từ khi xuống trạm xe bus 150 ở Xa Lộ Hà Nội vào đây như vậy là chỉ 1km. Đi rất thong thả và thích thú vì đã có chuẩn bị tâm lý. Điểm chạm đầu tiên giữa tôi (người dùng) với phía tổ chức chính là anh bảo vệ. Đây là vị trí trọng yếu rất dễ bị xem nhẹ và ít được tập huấn tốt trong quản trị trải nghiệm người dùng. Thật may mắn khi tôi đã có một trải qua dễ chịu! Tôi cảm giác giao tiếp của anh bảo vệ với tôi rất tự nhiên, không phải là dạng đã được tập dợt mà thành, thế nên sự thiện cảm của tôi càng tăng lên mỗi khi nhớ về. 


12. Chỗ ngồi ưa thích

Đến đúng 9 giờ nhưng sự kiện ở tầng cao nhất vẫn chưa diễn ra nên tôi được dịp leo lên leo xuống cầu thang thêm mấy lần nữa. Di chuyển của tôi như vậy chủ yếu là theo phương dọc chứ chưa có dịp đi sâu vào khối không gian của toàn bộ dãy nhà theo phương ngang.

Lúc leo lên lần đầu, tôi đã thấy mấy chỗ ngồi. Khi leo xuống tôi chọn một chỗ và ngồi thử. Đây là bố cục mà tôi rất ưa thích. Ngồi ở những chỗ kiểu này thì ngồi chỉ là ngồi, không làm việc gì khác. Ở thế tựa này tôi kiểm soát không gian tốt. Dựa lưng, duỗi thẳng chân thư giãn. Vừa có thể ngắm cảnh bao quát, vừa có thể nhìn được dòng người lên xuống mà không bị giật mình, vừa hoàn toàn có thể trở về với nội tâm. Tôi không thể ngồi lâu để kiểm tra chỗ ngồi này. Chỉ vài phút đã trở lên để dự tọa đàm. Cuối buổi đi xuống thì thấy nơi này đã được lấp đầy bởi mấy chậu cây. Có lẽ đây không phải là nơi được khuyến nghị cho việc ngồi. 


13. Tác phẩm của một người bạn

Lúc đi lên tôi trông thấy một tác phẩm ở trên tường. Không có vị trí thuận lợi để chụp nên tôi chỉ chụp ô thông tin. Nhìn tên "Nguyễn Đức Phương", nhìn dáng chữ, nhìn chất liệu cùng ấn tượng thị giác, tôi cứ ngờ ngợ. Mấy hôm sau kiểm tra thì đúng là tôi có một người bạn trùng tên này. Anh là họa sĩ, là nhà thiết kế nội thất và rất nhiều danh từ nữa. Một nghệ sĩ tài năng mà tôi có may mắn được gặp ở Hà Nội và đi chung một chuyến đi trong năm nay. Tôi đã gửi ảnh để anh xác nhận. Không biết tác phẩm này đã ra đời trong hoàn cảnh nào để rồi có mặt ngời ngời trong ánh sáng nắng Thảo Điền tháng 12.

Thật vui khi liền ngay sau dòng cập nhật này tôi đã nhìn thấy tác phẩm gốc ở nguồn cấp cá nhân của anh Phương và biết thêm nhiều thông tin nữa!

Có thể xem nhiều hơn các tác phẩm của anh Phương tại

Artist Nguyễn Đức Phương
- fanpage:
Hoặc fb cá nhân:



14. Cảm xúc ở trong một khu vườn 

Trái với lời giới thiệu từ TMKT, thành thực qua buổi hôm nay tôi chưa thật sự thấy mình đang ở trong một khu vườn. Vườn có lẽ chỉ là một thoáng qua trong cảm giác thôi, chứ chưa thể ở lại lâu mà tựu thành trạng thái cảm xúc được.

Nếu muốn nói được "vườn thiệt hơn" trong buổi hôm nay thì tôi nghĩ đó là giây phút đầu tiên khi tôi bước xuống xe bus 150. Trước khi băng qua Xa Lộ thì tôi được đi một đoạn dài chỉ có cỏ và cây. Một màu xanh mướt yên bình, có những đoạn lại còn lát gạch. Trải qua này không thể có nếu đi phương tiện cá nhân. Tất nhiên đây không thể nào là vườn nhưng là vùng đệm yên ả giúp tôi càng lắng sâu tâm trí hơn nữa trước giờ dự buổi tọa đàm. Tiếng ồn rất ít, không có ai tranh giành không gian, không khí tươi, nắng đẹp xuyên qua màn ion âm cây lá, từng bước tiếp xúc với đất mẹ, lòng thanh thản nhẹ nhàng. Hành trình khám phá quận 2 hôm nay của tôi đã có một khởi đầu thật hoàn hảo.


15. Tính năng "nhận chỗ" không xác định được vị trí

Vườn Thảo Điền có chuỗi ký tự là @vuonthaodien trên instagram, trên facebook là @vuonthaodien.vietnam. Nhưng khi đăng bài trên facebook và đăng ảnh trên instagram thì khi chọn tính năng "nhận chỗ" (check-in) thì tôi đều không tìm ra đúng vị trí. Tôi từng chọn dòng "Vườn Thảo Điền Q2" nhưng sau kiểm tra thì cũng không đúng nguồn cấp chính danh. Dường như nơi này đã hoạt động được vài năm, không hiểu sao lại vẫn còn lỗi này. 


16. Quy định hạn chế chụp ảnh

Đến giờ (sau khi soạn xong phần 15), tôi mới đọc được một bài nói về chuyện này.

Việc chụp ảnh của tôi chủ yếu diễn ra vào sáng hôm trước giờ dự sự kiện. Tôi chụp vội vàng, máy rung, ảnh nhòe. Máy đã cũ và tôi cũng không phải là người biết chụp. Tôi cũng ít khi đăng ảnh kiểu này. Nhưng buổi này tôi có rủ một người bạn đi cùng. Bạn là người rất quan trọng với tôi. Phút cuối thì tôi biết bạn không đi được. Bạn chính là lý do tôi viết toàn bộ bài này kèm ảnh để bạn có thể hiểu hết mọi diễn biến. Hy vọng lý do tình bạn sẽ không làm phiền lòng đơn vị chủ sở hữu mặt bằng này!

15.12.2022


17. Mục Lục Sách

Trong buổi tọa đàm, có bạn ngồi kế tôi đã mượn đọc phần Mục Lục. Nhờ đó đến phần giao lưu bạn đã nhiệt tình cho ý kiến về sách này. Bản thân tôi không nghĩ mình có khả năng chỉ đọc qua Mục Lục đã có thể hiểu hết và cho ý kiến được về sách. 

Tôi nghĩ phần Mục Lục chỉ có thể giúp người mua tiềm năng có một cái nhìn tổng thể về đường hướng phát triển nội dung sách sau khi đã đọc được tựa đề. Tôi chụp lại phần TOC (table of content) để tiện cho việc tham khảo nếu ai đó cần.

16.12

18. Không gian thuyết trình

Nơi tọa đàm diễn ra ở tầng cao nhất của Vườn Thảo Điền. Dường như là tầng 4. Không biết người cao tuổi sẽ đi lên có khó nhọc không? Riêng tôi thì thấy lối lên và khoảng cách của từng bậc cầu thang là dễ đi. 

Dường như đây là phòng lạnh. Mảnh tường chất liệu nhựa trong (?) để giữ độ nối sáng với ngoài trời. Trần gỗ, phối màu ghế tạo điểm nhấn thị giác. Sức chức có lẽ 100 người. Chụp ảnh thì thấy cũng đẹp. Nhưng người ngồi nếu nhìn lên diễn giả thì ngược sáng. Và cũng thể thấy được màn hình trình chiếu. Đây là lần thứ hai tôi gặp điều này ở liên tiếp 2 buổi mình tham gia. Buổi kia thuộc về một quyển sách khác. Các không gian khi thiết kế hẳn đã tính toán rất nhiều nhưng không có nước tính nào dành cho việc đủ bóng tối khi cần cho việc dùng màn chiếu.

19.12

19. Đường đi của Rác

Khi đi bộ ở phường Thảo Điền, tôi ngẫu nhiên bắt gặp chiếc xe rác chạy ngang qua. Thật là một tình cờ đáng nhớ! Nhờ đó tôi có một ảnh chụp để lưu giữ và nghĩ về một hướng tìm hiểu quận 2: 

- Thông qua đường đi của Rác

20.12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét