Đến gần 12 giờ trưa, tôi nghe đâu như có tiếng mưa trên mái. Lúc đi xuống tầng trệt, vòng ra ngoài hiên để lấy quyển “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù” thì quả thật đúng vậy.
Trời mưa! Không phải là “mưa mãi mưa hoài” trong âm thanh sắp đặt của Lê Uyên Phương. Mấy ngày qua, thấy có mấy bạn ở nhóm Đài Quan Sát Di Sản truyền tay nhau từ khóa #SaveDalat. Trong đó, có bài nhắc đến bài hát Buồn Đến Bao Giờ. Nhưng mà tiếc thật! Đúng là Lê Uyên Phương là người Đà Lạt nhưng ông viết tuyệt tác này ở Pleiku. Thật khó để tạo ra một cảm tình liên văn bản thuyết phục!
Lúc tôi ra về, đi qua công viên Tao Đàn thì mưa đã thôi rơi. Nhưng khi xe ngang qua chợ Nhật Tảo thì mưa ngày càng nặng hạt. Cơn mưa đầu mùa? Nếu tính theo thời điểm thì có lẽ hơi sớm. Sớm trước 1 tháng. Dầu sao cảnh tượng này cũng như 1 nhắc nhớ, “một mùa mưa sắp đến!”:
- Một mùa mới đang về!
Mưa! Cảm giác mát mẻ và trong sạch từ đất trời có lẽ thanh lọc đi phần nào những âu lo của tôi trong buổi sáng này. Chẳng hiểu sao càng về cuối, khi nghe hết một lượt những tâm sự của anh Nguyễn Vĩnh Nguyên và những người khác cùng nặng lòng về một Đà Lạt của quá vãng, một Đà-Lạt-đang-biến-dạng của hôm này và một Đà-Lạt-không-phải-Đà-Lạt của những ngày sắp tới thì tâm trạng của tôi rơi vào vùng trống chênh vênh, không sắc màu, không âm vọng.
Chủ đề quy hoạch đô thị có lẽ chưa bao giờ gây đau nhức như bây giờ. Chẳng hiểu làm sao trong não trạng của những người có trách nhiệm trực tiếp và cả những người gián tiếp, mỗi khi họ phát biểu, họ viết lời, nhóm từ thường xuyên xuất hiện nhiều nhất là “phát triển du lịch”, là “quảng bá”, là “kinh tế”, là “kỷ lục”, là “lớn nhất - cao nhất - rộng nhất”. Ít thấy một tiếng nói nào tham cứu đến những sang chấn tâm lý trong cộng đồng dân cư từ quy hoạch đô thị. Ít thấy một trần tình nào về căn tính của một thành phố, về vốn liếng lịch sử - văn hóa ở phần gốc rễ. Và tuyệt nhiên trong trí nhớ nhỏ nhoi và có phần sai lệch của tôi, tuyệt nhiên chưa từng thấy một bóng dáng nào đó nhắc tới sao trời, nhắc tới những đôi mắt được nhìn ngắm những vì sao.
Sự thư giãn trong ánh nhìn, sự vận động của đôi chân, sự tiếp xúc trực tiếp của bàn tay, trẻ em có chỗ chơi đùa, người trẻ có chỗ đọc sách, người già có chỗ hàn huyên. Những khái niệm “tạo hồn cho cảnh” sao quá thưa thớt trong những bản quy hoạch đô thị. Trong khi, “khu thương mại”, “nhà cao tầng” và “sân bay” thì nhan nhản. Đâu đâu cũng muốn thâu nhận những phức hợp kiến trúc như thế vào trong diện mạo của một đô thị. Như một cơn sốt, một loại dịch bệch, khi tất cả đang lao theo lợi ích kim tiền trong ngắn hạn mà không nhìn thấy những bi kịch trong miên trường. Những bi kịch đô thị mà các quốc gia khác đã trải, đã thấu tận xương tủy về một thành phố không căn cước, một thành-phố-phototopy, không trăng sao mà chỉ toàn vôi gạch.
Và quan trọng nhất là, một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch đô thị liệu đã bao giờ ngồi cùng một nhà xã hội học, một nhà tâm lý học, một nhà văn, một nhạc sĩ, một họa sĩ, một doanh nhân… Một đội hình các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liệu đã từng ngồi cùng nhau, góp gởi cho nhau một lời chân thật để tạo nên dáng hình cho thành phố?
Câu hỏi này với tôi mãi mãi là một bí ẩn. Nhưng những gì đang nhìn thấy với Đà Lạt và đã nhìn thấy ở một số nơi khác khiến tôi có cảm giác rằng câu hỏi của mình cũng không cần thiết nữa.
Nhắc tới Đà Lạt hay nhắc đến một không gian đô thị nào, tôi nhận ra đó cũng là một hệ sinh thái. Mà để dựng tạo nên một hệ sinh thái cân bằng và bền vững thì cần một tư duy hệ thống. Một bản thiết kế vừa có tính thẩm mỹ, vừa có tính hiệu quả kinh tế và vẫn giữ được hồn cốt, giữ được căn tính trăm năm liệu có phải là một đòi hòi quá cao, quá phi thực tế, quá phi logic hay không? Hay là chỉ cần một tấm lòng khiêm hạ trước lịch sử, biết lắng nghe mọi giai tầng và thu thập tất cả ý kiến của giới tinh hoa?
2 quyển sách viết về Đà Lạt ra đời cách nhau 2 năm, đúng ngay thời khắc 125 năm Đà Lạt, đúng ngay thời khắc bản quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt được công bố. Bộ ấn phẩm luôn đi kèm một tấm bưu thiếp cộng với một bản đồ như một cách tạo ra điểm nhấn trong thị giác. Tác phẩm hẳn là đã thu thập được nhiều hơn là những ấn tượng trong mắt nhìn. Dựa trên buổi hôm nay, tôi cảm thấy sách đã vượt ra khỏi hình hài vuông vắn mà đã trở thành những đường cong uốn lượn, hình trái tim, để làm dấu chỉ cho những trái tim khác, ít nhiều có những kỷ niệm khắc sâu cùng Đà Lạt, cùng trở về, ngồi xuống bên nhau.
Một mùa mới đang về! Điều tích cực nhất là sáng nay tôi đã nghe được rất nhiều tự sự thiết tha. Hình ảnh những con người tách khỏi chốn riêng biệt lập để cùng hòa điệu trong một không gian chung với tôi luôn luôn là một mỹ lệ. Mong sao hình ảnh ấy được lập lại, được thấy nhiều hơn, diễn ra ở nhiều không gian hơn. Những con người ở nhiều địa hạt cùng ngồi xuống, nói cho nhau nghe, có lý luận, có văn hóa tranh luận. Tiếng nói lúc này không còn là tiếng nói của một cá thể, của cảm tính mà là tập thể, là lý tính. Đà-Lạt-của-ngày-mai cần nhất tiếng nói ấy.
#Nhiên