Do vẫn còn đang thiếu một số quyển sách thập niên 1980 nên tôi dự định đến vài hội chợ sách cũ. Bất chợp gặp được một câu hỏi khảo sát, “Tên quyển sách đầu tiên mà bạn đọc?”
Quyển sách đầu tiên
Câu này có ý muốn nói đến khoảnh khắc đầu tiên, khoảnh khắc chủ động đi tìm một quyển sách. Không phải do người khác trao tặng, mua giúp hay gợi ý mà là tự ý thức đi tìm. Tôi chịu. Không thể có câu trả lời. Khoảng thời gian đó hẳn phải là năm tôi 14 hay 16. Có lẽ vậy! Chưa thể nhớ kỹ và còn rất nhiều đắn đo. Tôi có ngay vài cái tên nhưng đó là truyện tranh mà theo tôi những quyển truyện tranh tôi để tiền ăn sáng mua về đọc, như Mèo Máy Doraemon, Bảy Viên Ngọc Rồng, hay Đội Trưởng Tsubasa, thì chưa thể được gọi là sách.
Giả sử thêm vào, “Tên quyển sách điện ảnh đầu tiên mà bạn đọc?”, tôi trả lời được ngay. Vì diễn tiến này mới xảy ra trong khoảng thời gian gần đây. Hẳn phải là 5 năm. Chỉ 1 quyển duy nhất. Tựa “Viết kịch bản điện ảnh và truyền hình” [1], tôi mua vì tò mò, đọc xong rồi để đó. Và phải đến thời điểm 2017 mới quay trở lại đọc với thái độ thành khẩn hơn nhiều phần.
Độ thấu hiểu của tôi rõ ràng là khác biệt so với lần đầu đọc. Nhưng về mặt cảm xúc thì tôi vẫn không thích lắm. Nếu nói đây là một quyển hay thực sự thì tôi rất băn khoăn mặc dầu tôi không hề phủ nhận giá trị kiến thức mà sách mang lại.
Saigon 1975
"Saigon 1975" [2] là quyển thứ hai của cùng tác giả Sâm Thương mà tôi sưu tầm được. Tôi có một danh sách mơ ước dành cho tủ sách điện ảnh. Một số sách in đã lâu, rất khó tìm. Một số sách mới nhưng cách mình xa xôi và rất đắt. Nhưng không hề có tựa đề này trong danh sách. Trong lúc đi tìm những quyển khác thì tôi bắt gặp quyển này. Thế là tôi mang về luôn thể.
Một nét đặc biệt nữa, đây không phải là sách tri thức điện ảnh mà là dạng sách kịch bản điện ảnh. Dẫu cho in với khổ A5 không theo chuẩn A4 quốc tế dành cho hình thức của một tập kịch bản nhưng những dạng sách như thế này ở Việt Nam rất hiếm. Giấy in lại thuộc loại láng mịn, kèm theo cả tranh vẽ mỹ thuật và cả phác thảo bối cảnh (storyboard). Tôi chỉ phải trả theo đúng giá bìa trong khi mỗi năm vnd đều trượt giá. “Thật sự là một món hời”, tôi nghĩ vậy dầu chưa hề đọc nội dung.
Quyển thứ nhất, thỉnh thoảng tôi có đọc lại. Còn quyển thứ hai thì chưa bao giờ. Cho đến tối hôm nay. Khi đọc phần “Lời giới thiệu” tôi bắt gặp cái tên Phạm Thùy Nhân. Đây cũng là tác giả mà tôi săn lùng nhưng vẫn chưa có được quyển nào. Hai người bạn hoạt động chung ngành điện ảnh và người này viết lời giới thiệu cho người kia, trong đó có nhắc đến một câu thơ của Đỗ Phủ: [3]
.
“Động như Sâm dữ Thương”
Thật sự tiếng “động” đã đánh động tôi về ngữ nghĩa của Sâm và Thương hay là Sâm Thương. Đây là điều chưa từng. Chưa bao giờ tôi thắc mắc về danh xưng Sâm Thương cả.
Là ngôi sao hay là gì khác?
Tôi không biết đây có phải là tên thật, tên khai sinh hay không. Nhưng rất nhiều phần tôi cảm tưởng đây là bút danh. Gốc Hán Việt đã tạo nên độ dày nhiều tầng cho cái tên này.
Bài thơ ngũ ngôn cổ phong của Đỗ Phủ có niên đại 759 mở ra tính liên văn bản từ điển tích văn học [4]. Hình ảnh Sâm Thương tiếp tục xuất hiện rất nhiều lần trong văn học Việt Nam, đương cử là Chinh Phụ Ngâm Khúc [5] và Truyện Kiều [6].
Đọc hết tất cả nguồn cấp, tôi tóm lược Sâm Thương là tên của 2 ngôi sao, mang ý nghĩa về sự xa cách, biệt ly, thường dùng để nói về tình cảm lứa đôi. Người Trung Quốc cổ đại đã nhầm tưởng rằng đây là 2 thiên thể riêng biệt và sáng tác nên một chuyện tình tay ba đậm màu thần tiên. Để rồi tiếng gọi về Sao Hôm, Sao Mai hay Sâm Thương ấy được tái sinh qua bao nhiêu thế hệ.
Thực chất đây chỉ là một ngôi sao, sao Kim, do xuất hiện ở 2 thời điểm nên đã sanh ra sự lầm tưởng nơi những con tim thiếu vắng tri thức thiên văn học. [7]
.
Ý nghĩa tên hiệu Sâm Thương ?
Sâm Thương trong Truyện Kiều, trong Chinh Phụ Ngâm Khúc thì đã rõ ràng. Đó là tình yêu. Còn trong bài thơ của Đỗ Phủ thì cũng là tình sâu nghĩa nặng. Nhưng đây lại là tình bạn. Không phải là tình cảm trai gái mà là tình cảm giữa những người đàn ông. Chẳng phải tình cảm đồng tính mà là tình bằng hữu, là lòng thương từ thuở hàn vi được khơi lại trong độ đoàn viên sau này.
Phạm Thùy Nhân sau khi hỏi Sâm Thương về ý nghĩa tên hiệu thì đã tự trả lời bằng câu thơ của Thi Thánh. Đáp lại Sâm Thương chỉ cười. Và câu chuyện vẫn để ngỏ ở đó trong phần Lời giới thiệu của quyển Saigon 1975. Tôi không có liên kết nào với 2 nhà biên kịch để dò hỏi thêm nhưng sau khi tổng hợp tất cả dữ liệu, tôi cạn nghĩ mà phán đoán rằng. Sâm Thương, người là tác giả 2 quyển sách trong Tủ sách điện ảnh của tôi, khi sử dụng tên này không có hàm ý nói về sự xa cách.
Hoàng hôn, bình minh, đó là 2 không thời không thể cùng hiện hữu. Nhưng ánh sáng lại từ một. Câu trước đó của Đỗ Phủ là “nhân sinh bất tương kiến”. Nhân ở đây là Đỗ Phủ và Vệ Tân, người bạn của mình. Đời người khó gặp nhất là gì? Đó là tri kỷ, tri âm. Bạn bè dễ gặp. Tri kỷ khó tìm. Như Sâm như Thương vậy. Lối đặt tên này hẳn là ngầm chứa cái khát khao tương ngộ, tương phùng.
#Nhiên
20.2.2019
Ghi chú nguồn tham khảo:
[1] VIẾT KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH TRUYỀN HÌNH, Sâm Thương, NXB Văn hóa – văn nghệ, 2011
[2] SAIGON 1975, Sâm Thương, NXB Văn Nghệ, 1999
[3] "Nhân sinh bất tương kiến
Động như Sâm dữ Thương"
Bài Tặng Vệ Bát Xử Sĩ, thơ Đỗ Phủ, sáng tác 759, nguồn cấp từ trang Thi Viện
[5] “Xưa sao hình ảnh chẳng rời
Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương”
CHINH PHỤ NGÂM KHÚC VÀ 2 BẢN DỊCH, Đặng Trần Côn, NXB Văn Học, 2016
[6] “Sâm Thương chẳng vẹn chữ Tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân”
Câu 2329, 2330, TRUYỆN KIỀU, Nguyễn Du, NXB Văn Học, 2017
[7] trang 313, TỪ ĐIỂN YÊU THÍCH BẦU TRỜI VÀ CÁC VÌ SAO, Trịnh Xuân Thuận, NXB Tri Thức, 2011