22.2.19

Một cách học điện ảnh | TSĐA#8

Nhiên, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Góc Sách, Tủ sách điện ảnh, Sách Kịch bản điện ảnh, Kịch Bản Điện Ảnh, sách chuyên đề về Điện Ảnh
Sau gần 2 năm lên đường tìm kiếm các quyển sách theo chủ đề điện ảnh tôi nghĩ mình cũng đã có ít nhiều vốn liếng kinh nghiệm. Dưới đây là 5 đúc kết của tôi:



1. Rất hiếm có sách mới viết bằng tiếng Việt ra đời hằng năm
Tôi lưu tâm vào những người viết vốn có kinh nghiệm trong việc làm phim và chuyên môn đã được thực tế minh chứng. Còn những đối tượng khác tôi không bàn. Xét ở khía cạnh này thì số sách ra đời mỗi năm rất ít. Trong năm 2018, theo ghi nhận của tôi chỉ có 1 quyển được viết bởi 1 đạo diễn. Tuy nhiên đây chỉ là tập hợp các đoản văn có nội dung về điện ảnh đã được in báo. Không phải là nội dung tươi mới và mang tính chủ đề rõ ràng.

2. Rất khó để tìm được các quyển sách đã xuất bản trước đây
Do là dòng sách đặc thù nên sách điện ảnh vốn dĩ đã ít và lại rất khó tìm. Tri thức điện ảnh tôi tin rằng cần thiết cho tất cả mọi đối tượng. Tuy nhiên, người đọc đầu tiên của dòng sách này tại Việt Nam hẳn là những người trong ngành điện ảnh. Có thể họ đọc trong thời kỳ học hỏi ban đầu và họ lưu giữ như một kỷ vật. Có rất ít khả năng sang nhượng hay luân chuyển vào thị trường sách cũ.

3. Sách điện ảnh đã xuất bản thường có giá cao
Dẫu vậy, nếu nhọc công kiếm tìm ở các kho sách cũ dưới đất hay trên trời (mạng Internet) thì vẫn có thể tìm ra. Và hẳn nhiên do tính chất khan hiếm, nhiều quyển có giá rất đắt. Sách cũ nhưng vẫn đắt như thường. Giá dao động trong khoảng từ 100.000 vnd đến 300.000 vnd nếu là sách in vào thập niên 90, 2000. Trước đó, có thể giá sẽ còn được đẩy lên cao nữa. Các sách gần đây trong khoảng 10 năm có thể giá sẽ thấp hơn từ 50.000 vnd đến 100.000 vnd.

4. Một cách tiếp cận khác
Mặc dù vẫn duy trì việc đi tìm các quyển sách cũ nhưng tôi có một cách tiếp cận khác. Tôi xác định quyển “Từ Vựng Điện Ảnh” là chiếc chìa khóa mở ra kho tàng tri thức điện ảnh. Sách này in 2011. 9 năm đã trôi qua. Một loạt từ mới rất cần bổ sung. Không hiểu sao vẫn chưa thấy một quyển tái bản kèm theo cập nhật. Dẫu vậy, lượng từ hiện có cũng là hành trang tạm đủ để thực hiện chuyến viễn du vào thế giới sách điện ảnh Anh ngữ hay Pháp ngữ. Tiếng Anh vẫn phổ biến hơn. Do vậy, dùng sách này và thường xuyên tra cứu có thể giúp ích cho việc đọc sách tiếng Anh.

Sách điện ảnh tiếng Anh chủ yếu đến từ kinh đô điện ảnh Hollywood. Mua sách giấy và vận chuyển về Việt Nam có thể sẽ rất đắt. Sách điện tử thì rẻ hơn và tiện dụng. Một cách để tích lũy tri thức điện ảnh trong ý kiến của tôi là mua sách điện tử tiếng Anh, xem các video essay chuyên đề điện ảnh và kết hợp với việc ôn luyện các thuật ngữ trong quyển “Từ Vựng Điện Ảnh”.

5. Dòng sách kịch bản
Một nhánh nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng trong dòng sách điện ảnh đó là các quyển sách về kịch bản. Ở đây không phải là sách về đề tài viết kịch bản mà là sách in ấn toàn văn một kịch bản phim truyện. Ở quốc tế, không khó để tìm các quyển này. Chúng có khi được bán. Có khi được phân phát ở dạng .pdf. Tôi chưa cầm được 1 quyển kịch bản điện ảnh nào ở dạng bán buôn. Tất cả kịch bản nước ngoài trong tay tôi đều ở dạng miễn phí. Tìm được trang nguồn thì tải về. Và ở dạng này các quyển kịch bản đều là khổ chuẩn A4. 1 trang bằng 1 phút. Rất thuận lợi cho việc phân tích và nghiên cứu tư duy dựng hình.

Đọc kịch bản theo tôi cũng là một cách thiết thực để tăng cường tư duy thị giác và năng lực cảm thụ ngôn ngữ điện ảnh. Kịch bản thường được viết bởi biên kịch. Và có khi cũng có kịch bản chi tiết hơn (kịch bản quay), đây chắc chắn là kịch bản viết bởi đạo diễn và D.o.P. Kịch bản quay phim tôi cũng chưa có quyển nào. Và tôi tin rằng các quyển này sẽ không bao giờ ở dạng miễn phí.

Ở Việt Nam, tôi đã tìm được ít nhất 3 quyển sách ở dòng này. Tuy nhiên, sách lại in theo khổ A5, không phải dạng chuẩn. Dẫu sao, có còn hơn không. Không canh tính được thời gian thực thì cũng đọc được diễn tiến và cách sắp xếp sự kiện và đường dây câu chuyện.

Kết luận:
Việc đi tìm sách cũ rất nhọc công và phải đánh đổi bằng số tiền không nhỏ. Nếu ai đó cần học về điện ảnh (chẳng phải dấn thân vào nghiệp làm phim mà có thể như tôi, muốn trở thành 1 khán giả biết thưởng thức) thì tôi sẽ giới thiệu họ tìm tới quyển “Từ Vựng Điện Ảnh”. 

Quyển này hiện vẫn còn có thể tìm được và nếu may mắn sẽ mua được đúng giá bìa. Còn không thì người bán sách cũ có thể tính phần trượt giá hoặc căn cứ theo một phép tính nào đó mà có giá mới. Theo sự định giá của tôi, sách này không thể vượt quá ngưỡng 90.000vnd. 

Đọc sách này kết hợp tìm đọc các kịch bản pdf, xem video chuyên đề và xem phim với tôi là 4 bước không thể thiếu trên con đường của 1 người khán giả thực lòng say mê điện ảnh.

#Nhiên
22.2.2019