Tôi đọc quyển “Đối thoại với Trương Nghệ Mưu”. Lòng luân lưu một nỗi niềm phấn chấn bất tận.
Việc đầu tiên của tôi ngay hôm sau khi tìm được sách là lau chùi, vệ sinh. Sách đã cũ, thậm chí bị mối mọt ăn mất một phần chân trang. Sự bất toàn ấy không hề khiến tôi phiền lòng. Trái lại, sảng khoái đầy tràn sảng khoái. Thật không dễ để tìm ra quyển này! Xuất bản vào 2004. Nghĩa là cũng đã có tuổi đời 15 năm. Giả sử là tôi 15 năm trước có lẽ sách sẽ lướt qua như một người lạ. Mắt môi vô tình mà tâm hồn cũng lạnh nhạt.
Nhưng giờ do đã có chút vốn liếng tri thức, dẫu chỉ là những khối mảng ve chai, nhặt nhạnh, nhưng nhờ chút góp gom đó mà tâm trí sáng bừng. Từng trang thắp sáng từng trang.
Đây không phải hồi ký. Đây không phải người khác chấp bút. Đây cũng không phải lý luận phê bình. Đây là một cuộc đối thoại mà người hỏi, Lý Nhĩ Uy, vốn dĩ có đầy đủ học thuật lẫn kinh nghiệm xuyên qua mọi mặt của đời sống điện ảnh. Thế nên, Trương Nghệ Mưu được thong thả diễn ngôn vào đúng trọng tâm chuyên môn của nghệ thuật kể chuyện bằng hình. Từng buổi phỏng vấn được biên tập, cấu trúc theo năm tháng với tiêu điểm là từng bộ phim của họ Trương trong khoảng 20 năm đầu sự nghiệp. Nhìn nhận bộ phim ở điểm phôi thai, khơi vớt những chất liệu điện ảnh cho đến thành quả cuối cùng, cho đến mốc thời gian phim ra mắt và sự đón nhận của khán giả, lẫn sự đánh giá của giới chuyên môn. Chất lượng nội dung của sách vì vậy thật khó có thể đánh thấp. Chúng sâu, rất sâu và sâu bao nhiêu là do năng lực cảm thụ của người đọc.
Trương Nghệ Mưu đã có một sự nghiệp hiển hách trong ước chừng 40 năm và vẫn còn tiếp diễn. Quyển này xem như một sơ kết cho phân nửa hành trình của một đạo diễn lừng danh. Theo tôi được biết, nếu không lầm thì đây cũng là quyển sách duy nhất có nội dung chủ đạo vào con đường điện ảnh của Trương Nghệ Mưu được xuất bản tại Việt Nam.
Tôi chưa xem phim nào của ông tại rạp. Có mấy phim loáng thoáng đã nhìn thấy trên truyền hình lúc tuổi nhỏ. Giờ thì có lẽ đã đến lúc,
“Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau…” (Phạm Duy)
#Nhiên
27.2.2019