Khi Nguyễn Quốc Tấn Trung (Hội Đồng Cừu, nhóm dịch quyển "Nexus - Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo") lý giải về cách dịch các thuật ngữ trong phần trả lời độc giả, tôi rất đồng tình. Anh giữ âm Hán Việt, đặt thuật ngữ trong bối cảnh lịch sử tôn giáo. Ví dụ cụ thể là từ infallibility được nhóm dịch là tính “bất khả ngộ” (不可誤, bù kě cuò), một từ có nguồn từ Công Giáo La Mã.
Khi đọc sách dạng này, tôi ưa có thói quen đọc ngược. Phần tôi quan tâm nhứt vì vậy là “Chỉ Mục” (Index). Nghe Trung đề cập, tôi giở sách (ebook) ra liền và tra thấy từ này xuất hiện 13 lần trong sách. Dứt khỏi sách, qua khung tìm kiếm của ChatGPT, tôi truy về bối cảnh ra đời. Nhờ vậy tôi biết nguồn gốc lập ngôn từ tiếng Ý, đúng hơn là tiếng Latin của từ này. Bối cảnh ra đời của “infallibilitas” có lẽ khoảng thế kỷ thứ V từ nguồn Thần Học Công Giáo nhưng chính thức được đưa lên thảo luận và có mặt trong văn bản là vào thế kỷ XIX thông qua giáo hoàng Pius IX. Đến đây tôi wow một tiếng:
- Trùng phùng!
Bởi lẽ tôi vừa nhìn thấy nhân vật phản diện này trong phim Rapito ở tuần phim Ý. Vậy là có Pius IX trong góc nhìn của đạo diễn, của sử gia, của nhà giáo dục và của một độc giả thông thường. Khởi đầu từ 1 từ khóa. Sẽ không có ai thấy được sự thật. Tất cả chỉ là 1 phần sự thật tương đối đang trên một dòng chảy đục, trong lẫn lộn. Ai biết khơi trong sẽ tiến dần về sự thật chót vót sau cùng.
Với riêng một thuật ngữ, như vậy tôi cũng chỉ mới lướt qua nửa đoạn đường. Chưa kiểm tra chéo. Ngồi đếm phần Index thì nhẩm ra 15 trang. Đọc các bình luận trong buổi này thì biết bản Việt ngữ không có phần này. Thông tin cần kiểm chứng. Tôi chưa cầm bản tiếng Việt. Kiểm tra giá bìa cứng, bìa mềm thì thấy giá bìa cứng Nexus ở Việt Nam cũng không mấy xê xích với giá Nexus bản điện tử tiếng Anh. Ai yêu lắm có lẽ sẽ đọc hết cả 2 phiên bản, thậm chí cả audio. Riêng tôi, không tới mức như vậy! Yuval Noah Harari tôi đã nghe nói rất nhiều. Nhưng chưa bao giờ thấy có lực hút xô đẩy mình vào các vòng thảo luận. Ngẫm kỹ nguyên nhân vì sao thì cũng có thể thành một bài viết hoàn chỉnh. Nội dung thứ hai là tại sao chưa hề đọc cuốn nào thì tới lần này lại quyết định ngồi xuống rà soát từng câu chữ. Cũng là một hướng tự phân tích chính mình mà tôi đã làm xong và cất kết quả trong ngăn kéo.
Tựa bài này ban đầu định đặt là “Lược sử của xưởng chữ YNH” nhưng sau suy xét thấy bên dưới có ý châm biếm. Điều này phản bội tiếng nói đã hóa thạch bên trong:
- Nếu thiếu tôn trọng đối tượng mà mình đang đề cập thì nên dừng lại.
Tôi luôn nhớ tảng đá kiên cố này. Phê phán cũng không sao nhưng nếu bên dưới đã ẩn áo sự thiếu tôn trọng thì không bao giờ đi xa được. Sự thật tuyệt đối vốn đã trời cao khó với. Nhưng nếu lòng mà tàng chứa thái độ kể trên thì chỉ còn hướng ngược. Âm ty đợi mình. Cho nên tôi đổi lại tựa đề.
Một pho sử lôi cuốn đang mở ra trước mắt. Nhưng cũng như mọi lần, tôi không vội nhảy sâu vào khối nội dung. Tôi để ý các từ khóa ở phần Chỉ Mục. Tất cả chúng có một lịch sử riêng (nay một số còn được tái định nghĩa, tạo ra một hệ quy chiếu chủ quan riêng biệt). Tôi nhìn vòng quanh chút đã. Bản thân tác giả cũng có một dòng chảy tiểu sử với nhiều yếu tố đức tin, chính trị, lối sống… tác động đến mắt nhìn và ngòi bút. Và ngay cả những diễn giả, dịch giả đang ngồi đây, mỗi người cũng đều có một lịch sử dòng thời gian của đời họ và của họ với văn bản. Đi hết một vòng quay này, tôi mới trở lại với sách. Thế nên không biết bao giờ tôi mới hoàn tất việc đọc quyển này. Như mọi quyển khác, cũng thế thôi! Tôi luôn là một người đọc lề mề.
#Vũ_Đạm_Nhiên
14.10.2024
Tôi dẫn bài lên tường, quan trọng là có ghim đường dẫn tới sự kiện. Sau này cần tra ngày tháng sẽ dễ tìm.
Trả lờiXóa