Tôi đọc quyển “Tự học viết kịch bản phim” (1) vào năm 2018. Theo tôi đây là một tài liệu dịch thuật rất căn bản, đầy đủ và đáng đọc về việc viết kịch bản phim điện ảnh. Trong phần khai triển nội dung quyển này có đề cập đến một số những quyển khác cũng nổi bật trong lĩnh vực biên kịch phim điện ảnh của Mỹ. Nhờ vậy mà tôi đã được giới thiệu đến quyển “Save The Cat! The Last Book on Screenwriting You'll Ever Need”.
Như vậy vào tầm năm 2018 tôi đã tiếp cận với nội dung của quyển “Save The Cat” (Có thể dễ dàng mua bản điện tử trên amazon với giá chỉ có khoảng 12 USD, ngang ngửa giá bìa nhưng không phải đợi vận chuyển phát sinh chi phí, nhấn nút là có). Tuy nhiên tôi không thật sự tập trung đọc. Mãi đến những năm sau, tôi còn nhớ cột mốc đó là thời điểm bộ phim Interstellar của Christopher Nolan ra rạp trở lại (2022), tôi mới quay trở lại đọc kỹ quyển “Save The Cat” để luyện tập phân tích nội dung kịch bản của phim này.
Blake Snyder có một cách đúc kết và giảng giải phương pháp viết kịch bản của mình rất cuốn hút, dễ hiểu và mang tính thực dụng rất cao. Khung nội dung kịch bản có độ dài tiêu chuẩn khoảng 110 trang được ông chia thành các beat chính (tạm hiểu là nhịp). Tổng cộng là 15 beat. Nếu phân theo cấu trúc 3 hồi thì phương pháp chia của Snyder sẽ gồm:
- Hồi 1 (5 beat)
- Hồi 2 (7 beat)
- Hồi 3 (3 beat)
Hiểu giản dị, ông phân rã một kịch bản phim điện ảnh thành 15 phần. Từng phần ông đặt một tiêu đề ngắn gọn kèm theo nội dung đặc thù. Kể từ đây ông phóng chiếu 15 phần đó vào tất cả các phim để rút ra những kết luận mang tính khuôn mẫu.
Tôi đánh giá phương pháp của Snyder rất hay và phù hợp cho một người mới bắt đầu luyện tập phân tích kịch bản và có ý thức năng cao năng lực kể chuyện trong bộ môn điện ảnh như tôi. Đương nhiên Snyder không phải là nhà sư phạm duy nhất nhưng cách của ông rất đáng tham khảo, nhất là để soi chiếu các tác phẩm điện ảnh đến từ thị trường Mỹ.
Như đã viết, kỹ thuật của Snyder có tính thực tiễn rất cao. Thế nên để có thể kiểm chứng thì không còn cách nào hay hơn là lao ngay vào dùng tư duy “15 nhịp, 10 cốt” của ông để phân tích một phim đang trình chiếu ngoài rạp đương thời. Hiện tại trên thị trường đã phát triển cả một dòng sản phẩm phần mềm sử dụng phương pháp của Snyder. Người dùng chỉ việc nhập vào tài liệu kịch bản pdf thì sẽ có ngay kết quả phân chia, tóm lược, phân tích theo hệ 15, 10. Tuy nhiên không cần phải mất tiền, bất kỳ ai cũng có thể tập làm thủ công. Không cần máy móc gì, chỉ cần 1 cây bút chì là đã có thể luyện tập một đôi mắt biết nhìn ra cốt truyện gốc và phân tích một kịch bản 15 phần theo hệ lý luận Snyder.
Thời điểm này cũng đã có không ít bài phân tích phim trên youtube sử dụng phương pháp của Snyder. Họ gọi thẳng tên ông hay phương pháp của ông trong tiêu đề bài đăng. Biết cách chọn từ khóa tìm kiếm là ra hết tất cả. Thế nên, có thể tự mình tiến hành bài tập rồi đem so với kết quả ở các trang này. Như vậy chắc chắn việc học sẽ tiến bộ. Năng lực cảm thụ điện ảnh sẽ tốt lên sau từng chuỗi ngày trau dồi.
Hiện Snyder đã viết đến cuốn Save The Cat thứ hai (Save the Cat! Goes to the Movies: The Screenwriter's Guide to Every Story Ever Told), tập trung sâu hơn vào việc phân tích 10 cốt truyện mẫu. Kiểm tra thêm thì tôi thấy ông đã ra thêm quyển 3, quyển 4. Cũng có sách ăn theo phương pháp của ông viết bởi tác giả khác. Chẳng hạn Save The Cat ở mảng sáng tác tiểu thuyết của Jessica Brody và Save The Cat ở mảng sáng tác kịch bản phim truyền hình của Jamie Nash. Nếu muốn tham khảo thêm thì có thể dễ dàng tìm mua các bản ebook trên Amazon. Ít nhất thì đang có 9 đầu sách bắt đầu bằng tên thương hiệu “Save The Cat” trên kho sách này.
Ở trên là tôi dành cho những bạn quan tâm và muốn đọc trực tiếp nguyên bản. Còn với ai không có điều kiện, chấp nhận đọc qua ngôn ngữ dịch thuật thì hiện Save The Cat cũng đã có bản dịch tiếng Việt. Tôi thật sự không biết điều này. Nhưng do có người em hỏi về sách điện ảnh. Sau khi giới thiệu Save The Cat và nhân tiện kiểm tra các nơi bán thì tôi tìm kiếm ngẫu nhiên ra sự kiện ra mắt bản sách tiếng Việt trong năm 2023.
Tôi không có kế hoạch đọc bản đó. Nhưng nếu ai đó cần bản tiếng Việt thì tôi cũng sẽ giới thiệu đến bản này, hiện có thể tìm mua "Cứu Con Mèo" dễ dàng trên tiki và các nơi khác. Sách điện ảnh là dòng chuyên ngành, nếu không mua ngay thời điểm phát hành, 2, 3 năm sau tìm thì hầu như không có. Mua ở ngoài có khi gặp sách được kê giá cao hơn hoặc dạng sách in replica làm lại cũng với mức giá cao. Thế nên tôi khuyên người em của mình nếu quan tâm thì nên nhanh chóng mua ngay bản này. Đương nhiên tốt nhất vẫn là đọc bản gốc. Nếu muốn học tiếng Anh thì có thể đọc bản gốc trước, bí từ nào thì tìm qua bản tiếng Việt. Đọc như vậy vốn từ chuyên ngành cũng sẽ được tích lũy rất nhanh.
Hồng Vũ
Ngày cuối năm, 31-12-2023
#TuSachDienAnh #HongV77
- Chú thích
(1) “Tự học viết kịch bản phim” của Raymond G. Frensham. Đây là một quyển được tài trợ dịch thuật bởi quỹ văn hóa Ford. Bản dịch ra mắt năm 2010. Hiện chỉ có thể tìm đọc quyển này ở hệ thống thư viện công. Nếu đọc bản gốc thì tìm mua dễ dàng bản điện tử có tựa Screenwriting trên amazon.
*Cập nhật:
Trả lờiXóaTôi vừa kiểm tra thì thấy quyển Screenwriting không có bản điện tử. Ông Frensham sau này có ra bộ sách về viết kịch bản. Tôi sẽ thử kiểm tra xem nội dung thế nào và sẽ bổ sung nhận định vào bài tiếp theo.
Quyển Screenwriting in năm 1997 không có định dạng điện tử. Sau khi kiểm tra thì tôi thấy quyển này về sau (2011) đã được tái bản với tựa mới là Break Into Screenwriting.
XóaKiểm tra phần mục lục nội dung thì thấy không khác so với cuốn năm 1997. Bản mới này có định dạng điện tử và giá lúc viết phần bình này là khoảng 4 USD.
Mua sách dễ dàng tại đây.