3.3.20

MỘT QUYỂN CẦN THIẾT | TSSKĐA | 25

 Nguyễn Thị Út Bảy, Nguyễn Hữu Tuấn, Những Thước Phim Trong Suốt, Đặng Nhật Minh, Lê Vân, Thương nhớ đồng quê, Nguyễn Huy Thiệp, Góc sách, Tủ sách Sân Khấu Điện Ảnh.

Em nghĩ đây là một quyển cần thiết, cần thiết đọc!


Để có thể bắt đầu với Nguyễn Hữu Tuấn thì em phải trở lui đến 2 người. 

Đó là Lê Vân và Đặng Nhật Minh. Thứ tự đọc của em là vậy. Tìm được quyển nào trước thì đọc quyển đấy trước. 

- Lê Vân (diễn viên) (1)
- Đặng Nhật Minh (đạo diễn, biên kịch) (2)
- Nguyễn Hữu Tuấn (quay phim) (3)

Em không biết 3 người này có liên hệ ra sao. Ít thấy họ đề cập đến nhau. Hay có đề cập thì cũng không mấy êm ái. 

Theo tìm hiểu thì có ít nhất 1 phim cả 3 cùng cộng tác. Đó là “Thương nhớ đồng quê” (TNĐQ). Phim phát hành năm 1995. Kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Phim này em cũng đã xem. Tiếc là hậu sinh nên không thể xem tại rạp. Chỉ có thể tìm đĩa xem qua đầu DVD. Hoặc chờ một buổi chiếu tường tại một hội nhóm yêu điện ảnh nào đó. 

Trong quyển hồi ký của Lê Vân và Đặng Nhật Minh, cả hai đều nhắc đến quá trình thực hiện phim này. Dĩ nhiên mỗi người khi viết sẽ có những điểm nhìn khác, giọng kể khác, tư duy khác, tình cảm khác. Rất khó có thể hiểu toàn vẹn về cái gọi là “thực tại TNĐQ”! Nhưng bất kỳ nguồn cấp tham khảo nào, nhất là chính từ những cá nhân đã trực tiếp có mặt trong “thực tại” ấy”, đều đáng quý. Gộp chung từng người thì sẽ có một hiểu biết gần đúng nhất về TNĐQ.

Lê Vân, Đặng Nhật Minh đã tham khảo. Nay đến nguồn cấp Nguyễn Hữu Tuấn. 

Sau khi đọc xong quyển “Những thước phim trong suốt” em có một nhận định. Đây là sách cũng thuộc vào dòng hồi ký. Tuy nhiên, tác giả không đào quá sâu vào chuyện làm nghề. Không thổ lộ nhiều về kỹ thuật làm phim. Cũng không có tính chất ôn tụng thành tựu. 

Người viết có những dụng tâm văn học kỹ lưỡng, chạm đến ranh giới giữa một tác phẩm tự truyện và hư cấu. Ông đưa vào những mảnh ký ức của mình nhiều độc thoại nội tâm hay những con người, sự kiện được chắt lọc cẩn thận. Từ đó người đọc (là em) sống trong sự đồng cảm tự lúc nào. Em đồng cảm và có nhiều liên hệ, suy ngẫm đến thực tại hôm nay. 

Là một người quay phim, có điều kiện đi nhiều khắp mọi miền Tổ quốc, Nguyễn Hữu Tuấn đưa điểm nhìn vào những thân phận xung quanh chứ không phải lúc nào cũng đặt “hắn”, “tôi” (ngôi kể) vào trung tâm truyện kể. Nghĩa là có lúc người kể giấu mình đi và đưa ánh sáng trần thuật vào những người mà “hắn” hay “tôi” đã gặp, đã nảy nở những ân tình. Có nhiều khoảnh khắc đẹp về họ, sáng bừng cả trang sách. 

Tuổi của ông hẳn cũng đã ở ngưỡng tuổi ông bà của em. Thế nhưng mà các truyện kể không gợi lên cảm giác lão niên. Trái lại, là hoa niên. Chất trẻ, tâm tình tuổi trẻ bàng bạc hơn hai trăm trang sách. Em thấy một chàng trai đang chập chững vào đời, mới yêu, đi qua những thôi thúc dục năng, hít thở trong khí hậu chiến tranh và mắc kẹt trong hồ nghi về lẽ sống, về lòng tin, về những điều chân thiện. Đâu là một trái tim quả cảm cứ nhắm thẳng mà tiến? Đâu là khôn ngoan an phận bước lùi? Cứ như vậy, trang sách qua đi. Còn em ở lại với những suy ngẫm về những điều thiện, những con người thiện. Họ có còn trong hôm nay?

Không có dòng nào nhắc đến TNĐQ! Về phim ảnh, thật sự nếu có nhắc thì cũng chỉ giống như 1 mảnh toan được căng lên. Để từ đây, tác giả vẽ bày tâm hồn mình. Đi những đường nét bằng ngôn từ, ông ý nhị chuyển dần ánh sáng về phía những người bạn, những tình nhân. Em nghĩ ông thật may mắn vì đã tìm thấy được nguồn thi hứng cho ấn phẩm văn học đầu tay. Nếu nói đây là tác phẩm lớn thì em nghĩ chưa thể. Nhưng chắc chắn cuốn sách đã lay động em. Và em mong được đọc nhiều hơn, được xem thêm nhiều thước phim ông đã quay hay các bức ảnh ông đã chụp.

Mong ông sức khỏe và tiếp tục sáng tác!

- Nguyễn Thị Út Bảy
3.3.2020


Chú giải:

(1) LÊ VÂN YÊU VÀ SỐNG (Lê Vân / Bùi Mai Hạnh, NXB Hội Nhà Văn, 2006)

(2) HỒI KÝ ĐIỆN ẢNH (Đặng Nhật Minh, NXB Văn Nghệ, 2005), còn có thêm 2 lần tái bản bổ sung vào 2011, 2018

(3) NHỮNG THƯỚC PHIM TRONG SUỐT (Nguyễn Hữu Tuấn, NXB Trẻ, 2020)