1.3.20

KHÔNG CÒN TƠ TƯỞNG GÌ VỀ VIỆC SAO CHỤP SÁCH! | TSSKĐA | 24

Tủ sách sân khấu điện ảnh, sách điện ảnh, sách sân khấu, nguyễn thị út bảy, không sao chụp, không photo sách

Hay là vì sao chẳng bao giờ photo sách, số hóa sách?


1.
Thời sinh viên, em cũng đã từng đọc các tài liệu sao chụp. 

Có một số sách có bản in hạn chế, không tìm thấy trên thị trường. Cũng có bản in chưa có giấy phép xuất bản. Dù sao lý do sinh viên thì ít tiền luôn rất hợp lý và thuyết phục nên cũng chẳng bao giờ đào sâu suy nghĩ gì. Nguyên bản hay sao chụp? Chẳng màng! Nếu là dạng sách bắt buộc phải có để phục vụ cho việc học thì cứ thế mà bỏ tiền mua hay ra hàng in ở gần trường.  

Giờ đây ngồi nhớ lại thời kỳ ấy em thấy:

- Không có quyển nào ở dạng sao chụp còn lưu lại trong ký ức. 

Một là có thể sách dở, tác giả chán. Hai là em dở, em chán. Qua ngày qua tháng. Đủ điểm, đủ tín chỉ, đủ để lấy bằng. Có lẽ là lý do thứ hai. Mãi về sau này em mới biết được đâu là nguồn yêu thích. Nhờ đó mới quyết tâm đi tìm tài liệu. Chủ động khác với bị động. Cho nên mới hay, việc học cốt không nằm ở học cái gì. Mà là có thích thú hay không. Nghề dạy mà không truyền được sự thích thú thì hỏng cả thầy lẫn trò. 

2.
Thời nay các khóa học về phim mở ra rất nhiều. Em cũng liều mình bấm bụng chuyển khoản để đi học. Tài liệu về phim quả thật tuy không đến mức khan hiếm nhưng cũng chẳng phải là nhiều. Nay khác xưa ở chỗ các bản điện tử tràn lan. Không nhất thiết phải đi sao chụp vẫn có. Thế nhưng mà em kinh ngạc lắm khi nhận được tập tin pdf của một quyển sách. 

Em vẫn dở, vẫn chán. Nhưng nay em khác xưa ở chỗ đã bắt đầu có nếp nghĩ về nguồn cấp, về tác quyền, về sự tôn trọng. Em không thấy thầy nói gì về điều đó cả. Em cũng chẳng dò hỏi làm gì. Sách xuất bản đã nhiều năm. Nay không còn bán trên thị trường. Vậy là dùng bản pdf thôi. 

Vấn đề là với kinh nghiệm đi lùng sách em biết được có thể vẫn mua được quyển này. Có điều phải bỏ ra vài trăm ngàn. Đắt nhưng đó là quy luật cung cầu của chợ đen (hoặc là do nghệ thuật làm giá của người bán hàng). Em sẵn sàng. Còn dùng tài liệu sao chụp thì em không thích lắm. Không chống. Không chê. Không cho mình hơn người. Không coi thấp bất kỳ ai cả. Nhưng em có suy nghĩ khác.

Em không biết người nào đã chuyển sách thành pdf. Đây không phải là sao chụp mà là đánh máy rồi chuyển qua pdf. Đánh máy tự phát hoặc là rò rỉ từ bên làm sách. Tức là số hóa tư liệu. Dù là cách nào thì có hỏi tác giả chưa, có hỏi dịch giả chưa, có liên hệ với tổ chức giữ bản quyền chưa. Đó là những câu hỏi mà em băn khoăn. Lớp học thu tiền. Vậy việc dùng tài liệu này có trích được khoản nào cho người viết, người dịch. E là không. Mà đây cũng là thông lệ. 

Không bao giờ có thể cưỡng ép ai hành động theo ý mình cả. Nhưng em cảm thấy nếu là mình, em hành động khác. Em sẽ ráng đi tìm bản sách gốc để mà đọc. Không tìm được thì thôi. Em cũng không mơ mộng tiến xa gì với con đường phim ảnh rất xa xôi, đầy hiểm trở này. 

3.
Chẳng hiểu từ bao giờ em lại có những suy nghĩ nông nổi và kỳ quặc như vậy. Cầm một quyển sách lên em luôn suy nghĩ về hoàn cảnh, bối cảnh ra đời của nó. Cũng có mấy lần em định ngồi đánh máy một quyển ưa thích rồi chuyển thành sách điện tử. Ai cần thì đem tặng. Hoặc cứ đưa lên chốn mạng bao la. Ai thích thì chia nhau mà tải về. Nhưng rồi em nghĩ đến cảnh em liên lạc được với người giữ bản quyền. Rồi em thành thật khai báo đã từng sao chụp, số hóa, đã từng chia sẻ nhiệt tình tư liệu. Em có thể hình dung được nét mặt giận dữ của họ. Chưa tát vào mặt là may. Họ đuổi em thẳng cẳng. 

4.
Em nhớ có lần lấy dáng chữ viết tay của một bạn nước ngoài. Lấy xong em chỉnh sửa dán chữ ấy vào ảnh. Xong rồi em hân hoan gửi cho bạn. Bảo rằng, em xin dùng chữ của bạn để làm ảnh cho mình. Hy vọng bạn chấp nhận. Bạn nói, “Không! Tao cấm! Mày xóa ảnh ngay! Tao sẽ báo cáo mày. Tên ăn cắp! Mày gỡ chưa? @&()^$#!*^%#!”. Hoảng hồn, một dáng chữ thôi mà đã thế thì một quyển sách ngàn chữ sẽ ra sao? 

Em nhớ ca này. Chắc không bao giờ quên! Chẳng bao giờ dám vô tư dùng tài sản trí tuệ của người khác nữa! Cây nhà lá vườn. Có nhiêu xài nhiêu. Cú mắng té tát của bạn làm em thức tỉnh. 

Không mượn! Không xài đỡ mấy bận! Không lấy trước xin phép sau! Không tự ý sao chụp! Và còn rất nhiều cái không nữa…

5.
Tủ sách Sân Khấu Điện Ảnh ban đầu có dư mấy quyển bìa đen của bộ Tủ sách Điện Ảnh. Ai cần thì gia đình bán lại. Bán đúng giá bìa. Em giữ được 4 quyển ở Hà Nội. Em dùng làm kệ sách cá nhân, khi cần lôi ra tra cứu. Bộ của sư huynh nhiều hơn, ở Sài Gòn. Chắc cũng vậy thôi, dùng làm kệ sách cá nhân. Qua ngày tháng, kệ sách đón chào thêm các quyển khác. Có 1 đợt có dư 1 quyển đã được thử đem ra đấu giá. Giờ thì kệ sách không còn dư quyển nào. 

Một số bạn thỉnh thoảng vẫn có ý hỏi về chuyện sao chụp. Em rất tiếc đành nói không. Dù rất muốn trở thành 1 thủ thư chuyên nghiệp nhưng em chưa đủ trình. Và số sách gia đình đang có cũng chưa đủ để thành 1 thư viện. Cho nên việc cho mượn sách, tổ chức 1 điểm đọc sách hay sao chụp tư liệu em thấy chưa thể thực hiện. Đây không phải phận sự của mình. Mà tâm ý cũng không bao giờ thích thú với chuyện sao chụp hay khuyến khích chuyện sao chụp.

Ai hỏi thì em đành phải lịch sự trả lời xin lỗi và rất tiếc. Đã trả lời nhiều lần rồi. Mà nay dùng bài này như một cách trả lời chính thức và không khai:

- Xin lỗi và rất tiếc! Em không sao chụp, số hóa sách. Tủ sách này chỉ cung cấp thông tin về sách để trợ duyên cho bạn đọc trong hành trình tìm sách.

6.
Em đã đi dò thử ở thư viện công. Số đầu sách sân khấu, điện ảnh vẫn đang được lưu trữ đầy đủ. Cứ vào làm thẻ thư viện thì tha hồ mà tra cứu hay tùy nghi sao chụp.

Đó là chưa kể các trường chuyên ngành. Nếu thực sự quyết tâm thì cứ vào đó hỏi mượn hoặc hỏi mua. Có lẽ sẽ mua được sách với giá bìa. Còn nếu có tài chính dồi dào thì ra chợ đen. Kiên nhẫn thì thể nào cũng tìm được. Còn vẫn thích dùng sách miễn phí thì lùng sục trên mạng bằng nhiều lệnh tìm kiếm thể nào cũng tìm được tư liệu. Mà tư liệu dồi dào nhất là tiếng Anh, tiếng Pháp. Ai có vốn từ vựng thì có lẽ đọc các sách ngoại văn cũng là một giải pháp hiệu quả. 

7.
Quyển Về Chốn Thư Hiên của Trần Trọng Cát Tường tuy không thuộc lĩnh vực Sân Khấu – Điện Ảnh nhưng em đọc mà mê mệt. Sách đáp ứng đúng nguyện vọng của em: trưởng dưỡng tâm can của một người muốn hoàn thành công việc giữ sách (hoàn thành một cách trọn vẹn).

Nhờ quyển này mà những suy nghĩ về sao chụp, số hóa trong em chết ngỏm. Em ước chi có thể đưa quyển này cho bất kỳ ai mỗi khi họ gợi ý chuyện sao chụp, số hóa này kia với em. Mà tiếc là sách này cũng thuộc dạng không phổ thông. Mà em biết cũng phải tùy người mà giới thiệu. Thế nên em rất thông cảm với việc này. Trải nghiệm khác nhau dẫn đến tư duy và hành xử khác nhau. 

Em không chống việc sao chụp hay số hóa. Nếu hợp pháp, hợp lý, hợp tình thì tiến hành. 

Nhưng chắc là em đứng ngoài những diễn tiến đó. 

Nguyễn Thị Út Bảy
1.3.2020