Trang

23.6.19

HỒI KÝ NGUYỄN KHẮC VIỆN (soạn 1993, xuất bản 2003)



***




Tôi mang sách này về nhà không rõ lúc nào. Có lẽ là đầu năm 2019. Càng gần đến thời gian khai giảng lớp học yoga tháng 6 thì tôi lại càng đọc sách kỹ lưỡng hơn.

Ban đầu, tôi chỉ có 1 bản. Sau đó phát hiện thêm 3 bản nữa. Ý thức không dễ để tìm thấy bản này, tôi mang về cả 4. 1 quyển để dành đọc. 1 quyển gửi ra miền Bắc làm tủ sách gia đình Phương Nhiên. 1 quyển đưa cho em Hòa Bình mở bán trên chợ sách cũ. 1 quyển tôi làm quà tặng. Như vậy, tôi nghĩ mình đã gần như trọn vẹn mọi hành xử cần thiết với 1 ấn phẩm tri thức. Kinh doanh, thiện nghĩa, vì mình, vì người. Không thiếu một thuộc tính nào mà tôi không thử tập dợt. 

Về chuyện đọc sách, thật lòng tôi chỉ mới dừng ở 2 chương đầu tiên. Đây là hồi ký được biên chép vào thập niên 1990, khoảng thời gian cuối đời của cụ Nguyễn Khắc Viện. Cụ liên tục ghi âm trong suốt nhiều tháng rồi sau có người biên tập và đóng thành tập sách mang tên “Ước mơ và hoài niệm”. 

Lần đầu tiên đọc thử, tôi khá bất ngờ trước cấu trúc tự sự của nó. Cụ chọn nói trước tiên về 2 chủ đề mà mình quan tâm và nhiệt thành dấn thân trong cuộc đời. Đó là “dưỡng sinh” và “tâm lý trẻ em”. Qua đó, tôi nhận thấy cụ đặc biệt chú trọng vào sức khỏe thân tâm của thanh niên quê nhà. Cụ đã có quá trình thâm nhập, suy ngẫm, đúc kết và tạo thành bộ bài tập điều phục hơi thở cho riêng mình để chống lại tật bệnh. Về sau cụ mở câu lạc bộ, viết sách, viết báo để lan tỏa phương pháp của mình. Tình yêu dưỡng sinh của cụ chắc chắc đã lay động tôi và khiến tôi như thể được tắm mình trong dòng chảy nguyên sinh, nguyên chất của yoga Việt Nam. 1 trạng thái chưa từng. Riêng về tâm lý, đây cũng là địa hạt tôi cực kỳ yêu thích và cũng thật bất ngờ khi cụ Viện có rất nhiều tác phẩm đã in ấn. Rất tiếc là tôi mới chỉ đọc được đúng 1 quyển có tên “Thơ ngây”.

“Ước mơ và hoài niệm” đã được cập nhật thêm nhiều hình ảnh trong 1 bản về sau với số in hạn chế. Tôi có cả hai phiên bản và đều quý đồng thời cả hai. Dĩ nhiên, cái đầu tiên mình vẫn trọng hơn cả. Có thể bìa sách không đẹp. Có thể danh tiếng nhà xuất bản không lớn. Có thể sự trình bày nội dung không có tính thẩm mỹ. Nhưng quý cảm giác nguyên khôi ban đầu và quý ý nghĩa lịch sử của sách. Vì nhờ quyển này, cánh cửa để tôi bước vào dòng sách Nguyễn Khắc Viện đã thực sự mở rộng.

NXB Đà Nẵng đã in hồi ký của cụ lần đầu vào năm 2003. Tôi chưa dám chắc điều đó. Không dám chắc là trước đó đã có nhà nào in. Nhưng đây chắc chắn là quyển đầu tiên mà tôi đọc từ kho sách Nguyễn Khắc Viện. Kích thước sách (13x19cm) nhỏ hơn khổ sách thông thường một chút. Số trang cũng chỉ 290 trang. Nhờ đó mà vừa vặn và nhỏ gọn trong lòng tay. Cầm lên thấy rất thích. Nội dung lại thu hút và vẫn còn tàng chứa nhiều tài nguyên trầm tích mà tôi chưa khai phá. 

Tôi vẫn đang lặng lắng trong chương I và chương II.

#Nhiên
23.6.2019



Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, góc không, góc O, Chuyên đề Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Viện, Yoga Dưỡng Sinh Nguyễn Khắc Viện, Yoga Nguyễn Khắc Viện, Hồi ký Nguyễn Khắc Viện, Ước mơ và hoài niệm, NXB Tri Thức, NXB Đà Nẵng, NXB Khoa Học Xã Hội, Tự truyện Nguyễn Khắc Viện



Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy quyển hồi ký nào của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được in trước cột mốc 2003. Vậy nên tôi tin rằng bản in 2003 của NXB Đà Nẵng là bản in đầu tiên. 

Nguyên dạng ban đầu của sách là các buổi nói chuyện tại gia đình vào năm 1993 của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Chúng đã được ghi âm (tổng cộng là 100 buổi). Người cháu Nguyễn Thị Ngân Hà đã lược ghi thành 6 bản thảo viết tay. Người em gái Nguyễn Thị Phương Thảo đảm nhận phần biên tập sách. Đến năm 2003 thì gia đình công bố thông qua bản in (292 trang) với tựa là “Ước mơ và hoài niệm” của NXB Đà Nẵng. 

4 năm sau, đến lượt NXB Khoa Học Xã Hội tiến hành in đồng loạt rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện. Họ chọn cùng một khổ sách và cùng một thiết kế màu bìa, dáng chữ để tạo nên tính nhất quán. Ở lần in này, tựa sách được đổi thành “Tự Truyện”. Khổ sách lớn hơn nên số trang giảm còn 262 trang. Nội dung bên trong vẫn giữ nguyên mục lục bao gồm 5 phần:

- Phần I: Câu chuyện dưỡng sinh
- Phần II: Vào đời
- Phần III: Hướng về Tổ Quốc
- Phần IV: Nhịp cầu văn hóa
- Phần V: Vì hạnh phúc trẻ thơ – vì tương lai đất nước

Ở bản in 2007 có thêm phần phụ lục có tựa “Kể chuyện Việt kiều” với 6 bài viết.

10 năm sau lần in thứ hai, NXB Tri Thức trong phần Lời giới thiệu đã xác nhận rằng bản in lần này là “bản đầy đủ nhất”. Tựa sách cũng trở lại với cái tên ban đầu “Ước mơ và hoài niệm”. Có thêm tựa phụ “Nguyễn Khắc Viện kể chuyện”.

Khổ sách lần này nhỏ hơn về chiều dọc (13x20.5 cm), số trang tăng thành 400 trang. Nội dung chính thay vì 5 đã tăng thêm 1. Với sự xuất hiện của phần V (Vì sự nghiệp đổi mới, vì nền dân chủ), phần Vì hạnh phúc trẻ thơ – vì tương lai đất nước trở thành phần thứ VI. Ở phần phụ lục, có 3 bài viết về Nguyễn Khắc Viện của Trung Sơn, Nguyễn Sĩ Đại, Đỗ Hằng. Đáng chú ý là bài “Nguyễn Khắc Viện viết gì qua những kiến nghị (1976 – 1993)?” của Nguyễn Thị Nhất và phần “Niên biểu Nguyễn Khắc Viện”.

- Đạm Nhiên -
viết ngày 15.1.2020


***


Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có một liên hệ đặc biệt nào với thành phố Đà Nẵng không?

Theo tôi nhớ (đọc trong hồi ký) là không có. Nếu có chăng, một kỷ niệm nào đó với Đà Nẵng thì hẳn phải là chính chúng tôi, những người thực hiện chuyên đề Nguyễn Khắc Viện.

Lần đầu cầm quyển hồi ký “Ước mơ và hoài niệm”, tôi thấy đề NXB Đà Nẵng ở chân trang bìa. Khi về Đà Nẵng, tôi đã ráng cố dò tìm địa chỉ của NXB này. Trục đường Bạch Đằng có nhiều nhà sách, có một cửa hàng đề tên “Hiệu sách NXB Đà Nẵng”. Tôi đã thử một lần đặt chân đến nơi này. Đó chỉ là một không gian khiêm tốn, không có quá nhiều sách được bày bán. Tôi đã thử tìm với suy nghĩ, “Biết đâu tìm được một cuốn hồi ký tại đây!”. Nhưng không có cuốn nào cả. Giờ đây muốn tìm một quyển hồi ký in năm 2003 chắc là chỉ có thể lục lọi ở các hiệu sách cũ. Còn kế hoạch đi đến NXB thì tôi xếp lại chờ một dịp khác thuận tiện hơn.

Ở Đà Nẵng có con đường mang tên Nguyễn Khắc Viện, chúng tôi ít nhất đã có 2 lần đi. Vẫn chưa thâu thúc tâm ý để viết nên một bài tường trình hoàn chỉnh.

Trong một dịp đọc cuốn “Tưởng nhớ nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện” (1997, NXB Thuận Hóa), chúng tôi thấy có bài về việc tạc tượng Nguyễn Khắc Viện. Điêu khắc gia đứng sau tác phẩm là ông Phạm Văn Hạng. Vậy là thử nhắn tin xin gặp ông để xem bức tượng. Thật trùng hợp, bấy giờ ông cũng đang có mặt tại Đà Nẵng. Chúng tôi đã có buổi đến gặp ông ngay tại xưởng làm việc ở quận Thanh Khê. Có thể xem như đây là buổi đầu tiên chúng tôi gặp được một “chứng nhân” trong dòng thời gian liên quan đến bác sĩ Viện.

Lần đi bộ tới hiệu sách NXB Đà Nẵng. Lần chạy xe máy thăm đường Nguyễn Khắc Viện. Và cơ duyên hạnh ngộ ông Phạm Văn Hạng. Những trải qua ở 3 địa điểm đó có thể xem như là một cố gắng của chúng tôi trong việc gìn giữ một giềng mối nào đó giữa danh xưng Nguyễn Khắc Viện và thành phố Đà Nẵng. Cũng từ đây chúng tôi nảy nở ý định lập nên một tủ sách nhỏ, rất khiêm tốn, tủ sách Nguyễn Khắc Viện tại địa phương.

Sách chỉ là giấy. Chúng chỉ còn hồn, chỉ sống khi có tay người chạm, khi có mắt đọc, khi có óc tư duy theo từng con chữ. Tủ sách cần có không gian trưng bày, không gian phục vụ người đọc. Nhưng để duy trì khối vật chất đó thì yếu tố tiên quyết và quan trọng chính là con người. Chúng tôi đã tìm ra một người phù hợp. Một giáo viên yoga. Bạn lại là người quan tâm đến trẻ con. Yoga và trẻ em cũng là hai mối quan tâm hằng đầu của bác sĩ Viện. Thật sự là một khế hợp đầy triển vọng! 

Quyển sách đầu tiên mà chúng tôi trao lại cho bạn chính là quyển Hồi ký “Ước mơ và hoài niệm”, (bản in đầu, 2003, NXB Đà Nẵng). Kế ngay sau đó là quyển “Từ sinh lý đến dưỡng sinh” (bản in đầu, 1979, NXB Y Học). 

Giây phút này vẫn chưa có một không gian đúng nghĩa, một nơi có thể trở thành một phòng đọc, một nơi có thể tổ chức những buổi diễn đọc các tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện và cộng sự. Tuy nhiên, như đã viết bên trong, yếu tố con người là quyết định. Mong rằng sự kiện trao tay sách rất riêng tư này sẽ mở ra thật nhiều hy vọng cho chúng tôi. Hy vọng thật nhiều người tại Đà Nẵng dần biết tới hành trạng của bác sĩ Viện.

#Nhiên
Trao sách trong tháng 7,
hoàn thành bài viết vào 21.9.2020