23.3.19

Bi kịch Dubai | CitiesForPeople#2

Góc Sách, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Jan Gehl, Đô Thị Vị Nhân Sinh, Cities For People, quy hoạch đô thị, kiến trúc

Đến khoảng đầu năm 2017, tôi ra một quyết định:

- Từ nay chỉ đi bộ, hay là bus. Càng nhiều càng tốt!

2 năm đã qua. Chừng ấy tháng ngày theo tôi là đã đủ để đẩy lùi cái gọi là “văn hóa xe máy” ra khỏi óc não của mình. Xe hơi thì chắc chắn là đời này tôi không có cơ hội. Mà nếu có rơi một chiếc từ trời thì có lẽ tôi cũng tìm cách bán lại. Với những gì nhìn thấy ở thành phố này, theo tôi mọi thứ liên quan đến phương tiện di chuyển cá nhân đã quá tải. Dừng lại hay là bớt đi chứ không thể nào thêm được.

Hẳn nhiên, đi bộ hay đi bus cũng chẳng hề vui vẻ gì. Có những lúc vui và cũng có những lúc kém vui, không hề vui. Mà vui thì có lẽ ít hơn. Tôi nghĩ sẽ là bất khả thi nếu khuyến khích ai đó đi bộ hay dùng các phương tiện giao thông công cộng trong tình cảnh đô thị đương thời. 

Nhìn vào quang cảnh của Sài Gòn trong 2 năm miệt mài bus và bộ, tôi lờ mờ nhận ra một sự thiếu vắng nào đó. Có thể gọi là “tri thức về quy hoạch đô thị”. Tôi không biết dùng cách mô tả này có đúng không. Nhưng cứ giả sử là vậy. Thành phố này không được thiết kế để dành cho người đi bộ. Chẳng cần phải nghiên cứu hay đào sâu gì, ai ai cũng có thể kinh qua cảm giác này. Không được thiết kế cho nên mọi kế hoạch cổ động cho văn hóa đi bộ sẽ là vô nghĩa dù có hầu bao truyền thông cỡ nào đi nữa. Cái gốc, cái rễ đã không có thì làm sao ép người khác phải nhặt lá, bẻ cành, cắm hoa. 

Quy hoạch ban đầu của thành phố hẳn là được thừa hưởng từ người Pháp. Lúc đó người Pháp dựa trên dân số và có lẽ họ cũng chỉ ước chừng vừa đủ trong khoảng 10 năm, 20 năm. Cơ bản là họ là người khai thác. Cốt yếu không phải là vị nhân sinh mà làm sao lấy được càng nhiều, càng tốt. Bên ngoài tô vẽ ngọc ngà, bên trong ra sức vơ vét, đục đẽo, hốt lượm. Đến khi quân đội Bắc Việt trở thành người thắng cuộc thì di sản kiến trúc đó được tiếp nhận. Phá thêm hay là xây lại, tôi chẳng phải là chứng nhân. Nhưng biết rằng có bài hát “xây cho nhà cao, cao mãi” lừng danh một thời vang vọng từ ngày đó cho đến bây giờ.

1 người dân đen chẳng mong cái gì cao cả. Chỉ mong có chỗ để đi bộ, có chỗ để ngồi nghỉ, có chỗ để con người có thể đến được với nhau. Và người dân đen là tôi lờ mờ nhận ra rằng tri thức về quy hoạch kiến trúc thật sự là một khoảng trống rất lớn trong nền giáo dục Việt Nam. Tri thức này hẳn là không dành cho số đông mà là cấp lãnh đạo. Vậy nên nếu những người này thật sự thiếu vắng hay sạt lở trong tư duy thì chắc chắn bi kịch của 1 thành phố sẽ xảy ra.

Buổi hôm nay, bác Jan Gehl nói không dài và cũng không sâu vì thời gian có hạn. Nhưng tôi hiểu là bác đã có kinh nghiệm tư vấn quy hoạch cho những thành phố lớn ở cả Châu Âu, Châu Mỹ. Như là Bogota hay Moscow. 

Trong phần trình bày của bác, bác có đưa ra 3 cái tên tiêu biểu. 1 là Venice như là giấc mộng lớn. 2 là Copenhagen như là giấc mộng con, giấc mộng trong tầm tay. Và 3 là Dubai, cơn ác mộng cần phải chóng quên. Bác không nói câu nào liên quan đến mơ mộng. Nhưng tôi hiểu là như vậy.

Tôi đã từng nghe đến danh tiếng của Dubai và tự hỏi có gì ở cái sa mạc khô cằn này. Vài người ở Việt Nam đã đến đây và gửi về những tấm ảnh trưng trổ cho sự sang giàu của thành phố này. Nhưng tôi cần nhiều hơn những khoảnh khắc khoa trương đó. Và giờ tôi có Jan Gehl, một chuyên gia đầu ngành và ở trình độ thế giới. 3 ý của bác mà tôi có thể tóm lại:

Một, Dubai mua lấy sự huy hoàng trong thị giác bằng khai thác xăng dầu từ lòng đất. Nghĩa là họ đang làm cạn kiệt đi tài nguyên nội địa để đổi lấy sự trù phù về hình thức. Đó dĩ nhiên không phải là một cách làm kinh tế có tính bền vững.

Hai, tốc độ của thành phố này tính bằng trăm km/h. Đó là tính theo sự di chuyển của xe cộ. Nhưng nếu một người đi bộ khi đứng ở lề đường phải tự hỏi làm sao để có thể băng đường giữa trùng vây xe cộ hầm hố thì câu hỏi về 1 thành phố thông minh cần phải đặt lại? 

Ba, sự hào nhoáng và vĩ đại của thành phố chỉ có thể nhìn thấy từ trên cao, qua flycam. Vậy thì cái hào nhoáng đó không lẽ chỉ phục vụ cho đại bàng? Mắt người không cần những hình ảnh này. Mắt người nhìn theo chiều ngang, ở tầm 2m, góc nhìn 45 độ. Và mắt người cần được thư giãn, cần thoát ra khỏi màn hình, cần mắt truyền mắt, cần sự xúc chạm chân thật. 

Chỉ từng ấy ý nghĩa, những cũng cần chừng ấy tôi đã xóa bỏ mặc cảm nghèo hèn trước Dubai. Giờ tôi thấy Dubai đi liền với ý nghĩa bi kịch nhiều hơn. Và nếu đến được đây thì hẳn là sẽ học được bài học trực quan về bi kịch trong quy hoạch đô thị.

#Nhiên