Trang

17.1.19

Tinh thần Philanthropy | MCB#2

2 năm qua em đều nghĩ về ý nghĩa của “philanthropy”, chị ạ! Và em đều nhìn mọi hoạt động bên ngoài để xem tính chất nhân ái hay là thiện nghĩa đóng góp bao nhiêu hàm lượng bên trong.

Quyển sách chuyên ngành sinh học này (“Sinh học phân tử của tế bào”, tựa gốc “Molecular Cell Biology”) thật sự là một đối tượng thích hợp để em nhìn ngắm. Nhìn vào nhóm tác giả em thấy có 8 người. Tất cả đều là giáo sư Hoa Kỳ và thuộc về biên chế của những không gian hàn lâm hàng đầu của quốc gia này. Nhóm dịch giả gồm 10 nghiên cứu sinh và học giả sau tiến sĩ Việt Nam hiện đang công tác làm việc khắp nơi trên thế giới. Họ mất 10 năm để hoàn tất bản dịch. Tất cả đều không nhận thù lao. Giáo sư Harvey Lodish, người đại diện cho nhóm tác giả cũng từ chối nhận tác quyền. 

Em không biết hợp đồng chuyển giao giữa nhà xuất bản Freeman (W.H. Freeman) và NXB Trẻ là bao nhiêu và theo tinh thần nào? Nhưng em biết một công ty tại Việt Nam đã sắm vai là nhà tài trợ cho dự án dịch thuật này. Đó là Công ty sinh dược Nanogen Biopharmaceutical của tiến sĩ Hồ Nhân. Công ty này chuyên sản xuất protein người bằng vi khuẩn E. Coli, dùng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân viêm gan, ung thư, HIV. Họ có trụ sở tại Khu Công Nghệ Cao quận 9 và hẳn là công ty đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Giá thành cho 1 bộ gồm 5 quyển là khoảng 1.400.000vnd. Theo thông báo đây là mức thấp hơn rất nhiều so với bản gốc, lại danh chính ngôn thuận. Rất khác với việc đọc trên khổ giấy A4 sao chụp ở cửa hàng in, đọc trên tập tin pdf từ nguồn trôi nổi. Với việc cầm quyển sách này, độc giả hoàn toàn đứng ngoài lề thói phân tán tri thức khoa học bất hợp pháp trên các trang mạng như tại Nga hay Trung Quốc. 

Những chuyện liên quan đến thương mại hay pháp luật em không có điều kiện đi sâu. Nhìn theo tư duy philanthropy, em thấy rất rõ 2 lực lượng chính yếu đã cùng sát vai nhau trong công trình dịch thuật này. Đó là giới tri thức và giới doanh nhân. Họ có vốn liếng về kiến thức lẫn vốn liếng tài chính. Và nhờ vào sự góp dự ở khâu xuất bản cuối cùng, tức thêm 1 bên nữa, bên có vốn liếng về xã hội (thủ tục giấy tờ và truyền thông), quyển sách đã ra đời, mở ra cánh cửa ánh sáng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và bất kỳ ai quan tâm đến địa hạt này. Một sự quan tâm cần thiết khi mà công nghệ sinh học được đánh giá là tiêu điểm đương thời trong sự phát triển của một quốc gia.

2 lực lượng, 3 nguồn vốn. Đó là đúc kết của em. Và nhìn vào đó, dù chưa đọc sách, em đã có 1 bài học và những ứng dụng cho mình.

#Nhiên
16.1.2019