22.10.17

Từ Vựng Điện Ảnh | Tủ Sách Điện Ảnh #4

Tủ Sách Điện Ảnh, Từ Vựng Điện Ảnh

Còn nhớ đầu năm 2014, tôi đã thấy những quyển sách bìa đen có khổ đặc biệt 17x17cm trên các kệ bán sách. Đây là những quyển nằm trong tuyển tập gọi là Tủ Sách Điện Ảnh xuất bản ở miền Nam.

Lúc bấy giờ tôi đã khởi đi những thắc mắc về bộ môn này. Nhưng có lẽ mong muốn chưa quá lớn nên cứ lưỡng lự. Mãi đến giữa 2017 tôi mới thực sự nghiêm túc với ý định. Và thật may mắn, khi mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, từ lúc khởi ý đến lúc đi tìm, tôi đã nhanh chóng có gần như trọn bộ các quyển trong tủ sách này.

Trong số 8 quyển, tôi dành tình cảm đặc biệt cho Từ Vựng Điện Ảnh

Ấn bản trong tay tôi in năm 2011, đã qua lần tái bản thứ 5 và được cập nhật thêm gần 500 từ bởi đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Từ 2011 đến nay đã là 6 năm, chắc chắn điện ảnh thế giới đã có thêm rất nhiều từ mới. Tuy nhiên, tài liệu này tự nghĩ vẫn chưa lạc hậu, rất thiết thực là đằng khác. Thiết thực là bởi lẽ trong suốt 3 năm qua, tôi cũng đã sưu tầm một ít các sách viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên tôi cũng chỉ để đó mà chưa nghiền ngẫm sâu sắc. Phần vì chưa đủ cảm hứng như đã nói ở trên, phần vì chán nản vì có nhiều từ vựng chuyên ngành mình không hiểu. 

Giờ thì chuyện đã khác, tôi đang bắt đầu đọc song hành cả Ta lẫn Tây. Giá trị của Từ Vựng Điện Ảnh tựa như "Sách Mẹ". Hễ bí từ, hễ không hiểu thì lại tìm Mẹ mà hỏi. Ở phương diện hình thức thì sách cũng rất nhẹ cân, nhỏ gọn, tiện mang theo, chỉ hơn 200 trang. Một bất ngờ nữa là sau phần Anh-Pháp-Việt thì đến giữa sách lại có nghịch đảo Việt-Anh-Pháp. Thật tiện lợi vô cùng! 

Xin viết vài dòng nơi đây để gửi lời cảm ơn đến những người đã tác thành cho quyển này cũng như những người đã cung cấp thông tin giúp tôi tìm được sách.

Nhiên.