Trang

17.7.23

Chuyện của một nữ hiệp, cô Tấm và công dân toàn cầu

#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, vu dam nhien, dam nhien, Nguyễn Thị Xuân Phượng, Xuân Phượng, gánh gánh gồng gồng, hồi ký gánh gánh gồng gồng, Joris Ivens, Vĩnh Linh, trương đình hào, phòng tranh Lotus, lotus gallery, cảm nhận hồi ký

(Cảm nhận hồi ký "Gánh gánh gồng gồng")

*

1.
Chuyện của một nữ hiệp, cô Tấm và công dân toàn cầu


Tháng 12.2020, trên chuyến bay ra Hà Nội, tôi bật đèn đọc sách. Đây là lần đầu tiên tôi làm chuyện này: 

- Đọc sách trên máy bay. 


Trong lúc ngồi chờ, tôi đã đọc một phần. Khi cất cánh, tôi tiếp tục. Hồi ký "Gánh gánh gồng gồng", sau đây viết tắt là GGGG (tác giả Xuân Phượng, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ) hấp dẫn đến mức khó rời mắt. Ly kỳ như một pho kiếm hiệp, lấp lánh như một truyện cổ tích.


GGGG được viết theo trật tự tuyến tính. Nhưng thỉnh thoảng trong từng phần, tác giả chen vào vài đoạn được in nghiêng, tô đậm. Có lúc đó là những lần hội ngộ những người bạn cũ hay các sự kiện về sau có tính nhất quán với mạch chuyện đang kể. Có lúc là mảnh ký ức giật lùi của ngày trước để đồng bộ với ý tình ngày nay.  


Tôi hình dung về một bà lão (nay đã 92 tuổi, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn) không khác một nữ hiệp. 16 tuổi bỏ nhà, lang bạt kỳ hồ, bà đi, đi mãi theo tiếng gọi non sông. Dường như không một sự kiện lịch sử quan trọng nào trong 70 năm qua của Việt Nam lại thiếu bóng dáng của bà mà có khi bà là chứng nhân, có khi trực tiếp can dự. Đi đâu bà cũng có thể kết bằng hữu. Vòng tròn các mối quan hệ của bà là thứ vốn liếng trường cửu mà ở đó lung linh khối tình cao đẹp của những con người trọng nghĩa khí, ham hiểu biết, mê văn nghệ, yêu ghét rõ ràng.


Tôi còn liên tưởng bà với cô Tấm là bởi sự biến hình liên tục. Yêu nước nên 1946 bà đổi màu áo học sinh thành áo văn công. Rồi bà mặc áo Quân Y, Quân Giới. Khi có con, bà chuyển từ Bộ Quốc Phòng sang Bộ Tài Chính. Từ việc bào chế thuốc nổ, bà chuyển sang làm báo "Công Tác Thóc Gạo". Sau 1954, về Hà Nội, bà đi học trở lại để có bằng hành nghề bác sĩ. Để nuôi con, bà làm thêm đủ thứ nghề tay trái khác. Bà lo lắng tìm việc cho con ở miền Nam rồi để được gần con bà chuyển hẳn vào Sài Gòn. Vì muốn gặp lại mẹ, bà tìm cách sang Pháp 1989, sau đó là Mỹ. 


Mô tả bà bằng một danh từ đương thời, tôi muốn gọi bà là công dân toàn cầu. Dù thành thị hay miền quê, dù trong nước hay hải ngoại, dù Nhà nước, tư nhân hay làm cho công ty nước ngoài, ở đâu bà cũng có thể thích nghi và để lại thành tựu. 


Ở từng độ tuổi thanh niên, trung niên, cao niên, bà lại tìm đường khởi nghiệp. Tiểu sử của bà hấp dẫn là vì vậy. Có quá nhiều bài học sống động, chân thực mà nổi bật là ý chí kiên cường vượt khó, lòng khát khao được học, thói quen học tập suốt đời và tinh thần khởi nghiệp bất chấp định kiến về độ tuổi, giới tính và quốc tịch. 



2.

Vĩnh Linh (Quảng Trị) - Cảm hứng, năng lực và năng lượng sáng tạo


Tháng 4.2021, tôi tìm thấy một không gian xanh mát, ít ô nhiễm tiếng ồn ở quận 6. Chiều chiều tôi đạp xe ra đây, dựng xe bên cạnh một ghế đá hoặc một bệ gạch cạnh thềm cỏ và ngồi đọc GGGG. 


Sẽ có một buổi chiếu phim tài liệu "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân" (đạo diễn Joris Ivens) tại đại học Fulbright (quận 7). Tôi đã đăng ký đến xem. 


Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thưởng thức, tôi đọc kỹ từ trang 147 đến 170. Quyển GGGG không chia chương phần, không đánh số. Chỉ đặt tiêu đề cho từng khối nội dung. Liên quan đến bộ phim này, bà đặt tên chung là "Vĩ tuyến 17", trong đó chia thành 7 phần với 7 tiêu đề.


Có thể nhận ra tầm quan trọng có tính chất bước ngoặt trong khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn 2 tháng (tính từ tháng 5.1967) trong cuộc đời Xuân Phượng. Lúc này bà đã chuyển công tác sang Ủy Ban Liên lạc Văn Hóa Với Nước Ngoài. Công việc của bà là chăm sóc sức khỏe cho khách quốc tế đến Việt Nam. Với vốn tiếng Pháp sâu dày, bà đảm nhiệm cả phần thông dịch. Đây là cơ duyên để bà có thời gian thân cận với đạo diễn nổi tiếng Joris Ivens khi ông muốn tìm đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) để quay phim. 


Quá trình đồng hành, quan sát, phiên dịch và nhất là được khuyến khích và khai mở tư duy điện ảnh bởi Joris Ivens đã khiến bà Xuân Phượng khởi nghiệp lần II khi bước vào tuổi trung niên. Từ 1 bác sĩ, bà làm lại từ đầu để trở thành 1 phóng viên chiến trường rồi thử sức ở các vai trò biên kịch, đạo diễn. 


Quả là một trải qua quý giá khi dòng ý thức của tôi về cô bé đạp xe St Etienne đến trường Bồ Câu Trắng, thiếu nữ Huế đi bộ ra Vinh, người mẹ 2 con quang gánh từ đồi Gò Gai (Phú Thọ) về Hà Nội, bác sĩ trên xe jeep dưới mưa bom...  dòng ý thức xuyên qua 1 thế kỷ trên trang sách giờ được giữ sáng qua dáng ngồi vững chãi của một lão bà tóc bạc trắng trong phòng chiếu của trường đại học, đang hào sảng kể về đường đời, đường phim của mình! 


Nghề phim đòi hỏi cả thể lực lẫn tâm lực, nhất là sự sáng tạo. Từ trường hợp Xuân Phượng, tôi suy nghĩ mãi về môi trường, những điều kiện tác động đến cảm hứng, năng lực và năng lượng sáng tạo. 


Sáng tạo là kết tinh của muôn vàn yếu tố. Đó là sự quan trọng của một người thầy dẫn dắt, kiến thức chuyên ngành, nền tảng giáo dục đầu đời và các cấp tiểu học, trung học, trí thông minh xã hội, tâm lý gia đình... Tôi tin rằng ẩn tàng trong phần viết về Vĩ tuyến 17, về vùng đất Vĩnh Linh có rất nhiều đúc kết quý, giàu sức khơi gợi giúp tôi suy xét về chính quá trình học tập, lao động của bản thân và nhất là tiêu điểm về sự sáng tạo, một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh ngày nay. 



3.

Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng ở mọi độ tuổi


Bìa quyển GGGG là một bức tranh vẽ một người phụ nữ đang quang gánh. Tôi thấy có chữ ký "Hào" và con số 91. 


Khi bước vào tuổi cao niên, bà Xuân Phượng đã khởi nghiệp lần nữa bằng việc mở một phòng tranh. Triển lãm đầu tiên có tính chất khai trương phòng tranh đã trưng bày 72 tranh của họa sĩ Trương Đình Hào. Tranh Hào và cột mốc 1991 đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp của cả người nghệ sĩ và người giám tuyển.


Nguồn cơn nào thôi thúc Xuân Phượng có thêm một lần chuyển ngành ngoạn mục? Làm sao bà có thể tự tin thẩm định, mua bán tranh và sống được với nghề? Sao không chọn một hướng đi khác an nhàn hơn? 

Những câu hỏi thôi thúc tôi phải đọc lại sách nhiều lần. Tôi nhận ra bà cũng như mọi người, ở từng giai đoạn trong đời đều rơi vào một đợt khủng hoảng. Khi đến tuổi về hưu, bà gặp phải khủng hoảng kép: Vừa mất người thân, ước mơ đoàn tụ mẹ và đồng thời không muốn chôn chân trong công việc không đúng sở nguyện.


Đến khi có việc làm ưng ý tại Pháp thì bà lại nhận ra hình ảnh Việt Nam qua cách bạn bè quốc tế đối xử với mình. Thêm một mặc cảm nữa mà bà nhận diện rất rõ, đó là mặc cảm thân phận. Bà muốn đất nước được nhớ tới theo một cách khác, không chỉ có chiến tranh, đói nghèo. Vậy là bà quyết tâm với sứ mệnh giới thiệu tinh anh Việt Nam thông qua những triển lãm hội họa. Đây chính là giải pháp giúp bà chuyển hóa hoàn toàn khủng hoảng tuổi cao niên.


Cứ như thế, đọc lại toàn bộ hồi ký của bà, tôi tìm thấy rất nhiều giải pháp (tư duy, lời nói, ứng xử) mà bà đã thực hiện để giải quyết những khủng hoảng ở tuổi nhi đồng / thiếu niên / thanh niên, tuổi thành thân / lập thân, tuổi trung niên và cao niên. 


Dường như trong bất kỳ độ tuổi nào, bản ngã luôn cần một thế đứng để tựa vào, luôn hành động để thấy mình có giá trị và luôn tìm cách phản kháng khi đối diện với khủng hoảng. Đọc Xuân Phượng, trí óc tôi dự phóng rất nhiều cho quãng đường sắp tới của bản thân. Còn tâm hồn thì được nuôi dưỡng bởi sắc vàng óng ánh của tình bằng hữu và một trái tim yêu thương Việt Nam thiết tha!


#vudamnhien

29.10.2021


#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, vu dam nhien, dam nhien, Nguyễn Thị Xuân Phượng, Xuân Phượng, gánh gánh gồng gồng, hồi ký gánh gánh gồng gồng, Joris Ivens, Vĩnh Linh, trương đình hào, phòng tranh Lotus, lotus gallery, cảm nhận hồi ký


*


PHẦN BỔ SUNG



A. Ghi chú cho ảnh 1:


  Đây là ảnh đầu bài, được dùng trong lần đăng thứ hai của bài này (17.7.2023).



B. Ghi chú cho ảnh 2:


  Đây là ảnh cuối bài, được dùng trong trong thời điểm viết và đăng bài lần đầu tiên (29.10.2021)


Tôi chọn một số bản đồ, đặt cạnh sách để làm nên một bức hình chung. Đây là những nơi mà tác giả Xuân Phượng từng gắn bó, bao gồm:


- Vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Phú Thọ) / thời kháng chiến chống Pháp

- Đà Lạt / tuổi nhi đồng

- Huế (quê ngoại) / tuổi thiếu niên

- Hà Nội / tuổi lập thân, tuổi trung niên

- Sài Gòn / tuổi cao niên


Từng này bản đồ là chưa đủ để tóm lược về một cuộc đời thiên di. Nhưng đây là những công cụ mà tôi đã sử dụng trong quá trình đọc sách. Tôi dò theo các địa danh mà bà đã đi qua, đánh dấu những tuyến đường đi bộ, quang gánh đạp xe của bà. Với tôi, đây cũng là một cách học lịch sử, học du lịch.


Trong ảnh kèm bài, tôi cũng đặt vào tấm danh thiếp có biểu tượng phòng tranh Lotus. Đây là vật phẩm kỷ niệm trong lần tôi đến xin chữ ký của bà tại số 100 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.



C. Lý do đăng bài:

Tưởng chừng tôi sẽ cất bài viết này trong ngăn kéo mãi mãi. Hoặc nếu có lấy ra thì cũng chỉ mở cho vài người quen đọc. Nhưng một sự việc đã khiến tôi thay đổi. Tôi viết rõ cụ thể tại đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét