Trang

7.1.19

Vai Trần | C500NNT#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận sách CÓ 500 NĂM NHƯ THẾ
Một khi đã tham gia vào một buổi ra mắt sách thì chắc chắn tôi sẽ mua. Thường là mua ngay khi đến hay chỉ khoảng sau 10, 15 phút lắng nghe tác giả. Nhưng lần này, linh tính báo động là tôi nên ngồi đến phút cuối cùng. Một nguyên do chính là vì tiêu đề.

Điều quan tâm nhất của tôi không phải là cá tính, mà là căn tính. Vậy nên chọn lựa có mặt ở đây, hôm nay, đúng hay là sai hoàn toàn, tôi sẽ chờ đến khi hạ màn. Trong lúc chờ đợi chương trình bắt đầu, tôi lấy ra một quyển mà tôi biết chắc là không phải hay, mà là rất-rất-rất-rất-rất-rất hay.

Thời điểm giá trị của sách được thừa nhận tôi không có mặt trên giang hồ. Thế nên đó có thể là do sự ơ hờ hay là thiếu cập nhật từ tôi. Nhưng đến khi đem sách về góc nhỏ tôi vẫn chưa thể dành ra một khoảng trống để đọc nó. Phải đến điều kiện chín mùi như hôm nay người và sách mới gặp gỡ. Và rõ ràng, đúng, không sai khác với sự xác quyết của giới chuyên môn, phẩm chất trong câu chữ, trong cách đặt vấn đề hiển bày ngay tức thời. Giữa những huyên náo xung quanh, chỉ một phần phụ lục thôi, chưa cần phải đào xới vào nội dung trung tâm, tôi đã thật sự bị mê hoặc. Chưa tới 6 trang giấy nhưng tôi như can dự vào một cõi trầm yên diệu kỳ. 

Tựa đề của phụ lục là “Đi Tìm Ý Nghĩa Thực Của Đám Cưới Huyền Trân”. Và ngay ở trang thứ 2 tôi đã bắt gặp ảnh chụp bức tượng Trần Nhân Tông. Đây là bức tượng an vị tại tháp Huệ Quang, Yên Tử. Tôi đã từng nhìn thấy tượng này. Đó là năm 2010. Nhìn trực tiếp và còn nhìn rất nhiều lần sau đó qua sách, ảnh. Nhưng đó là một cái nhìn rất hời hợt, thiếu tri thức, thiếu trải nghiệm. Chưa bao giờ tôi chú ý đến những nếp gấp của Phật Hoàng. Phải đến giây phút này, tức là 9 năm sau, khi đọc ngay hàng chữ viết về thời điểm 1301 khi Điều Ngự Giác Hoàng tiến vào vùng đất Chiêm Thành và ở lại đó đến 9 tháng thì tâm trí tôi mới như sóng bạt. 9 tháng. Thời điểm đó, vua Trần đã thoái vị và đi vào đời sống của người tu hành toàn thời gian gần được 10 năm. Tại sao lại đi về phương Nam (Phật giáo Nam truyền)? Tại sao không thâm nhập vào biên ải Trung Quốc (Phật giáo Bắc Truyền)? Sao không phải là Bắc mà là Nam? Sao lại ở đây đến 9 tháng? Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm đã làm gì, nói gì, đã tư duy những gì trong suốt 9 tháng đó? Hẳn nhiên, tôi đã từng đọc bao nhiêu giả định và tường giải, cả theo thể loại hư cấu lẫn phi hư cấu. Nhưng chưa bao giờ tôi để ý đến nếp gấp và khoảng trống trên vai phải. Đó là lối đắp y của dòng thiền Nguyên Thủy, của Phật giáo Nam truyền. 

Tôi vững tin rằng, chuyến đi đó, thời gian lưu trú đó hoàn toàn là vì, hay xung lực dẫn truyền chính yếu nhất là vì mục đích trao dồi công phu hành thiền. Sự thực hành thiền tập của người hành giả đã chạm đến một giới hạn và sự lên đường không ngoài điều gì hơn là muốn vượt ngưỡng. Hoặc là tâm thế không bằng lòng với kết quả hiện có, vị thiền sinh muốn thay đổi môi trường tu tập, muốn kiểm tra kết quả luyện tâm của mình với những người bạn đồng tu tại phương Nam. Hoặc cũng có thể việc diện kiến một vị thiền sư có nhiều kinh nghiệm hơn, có những chứng đắc thâm sâu, thuần chất hơn trong suối nguồn Nguyên Thủy là mong mỏi của Trúc Lâm Đầu Đà. 

Vết gấp trên vai đó chưa bao giờ tôi chú tâm. Như bây giờ. Chưa bao giờ tôi xúc chạm, tôi nghĩ cảm chân thật như bây giờ. Màu, hương, cách vấn gấp, cách đắp khoác, sự chuyển động của y áo. Chưa bao giờ tôi thể nhập. Chân thực và tươi mới. Như bây giờ. 

Người xưa đã canh chừng tâm thức như thế nào, đã dũng kỹ thuật tinh yếu nào để xuyên phá vào thể tánh của tâm, của vật, của danh, của sắc? Những câu hỏi này dường như không một ai có thể luận đáp? Sách đã bị đốt, cả một nền văn hóa, cả một đường hướng tâm linh đã bị nhòa xóa bởi lòng ác hiểm của người phương Bắc. 

Con số 9 vẫn đang xoay vần trong tâm trí tôi. Những mưu đồ chính trị, sự cống nạp đất đai, hôn nhân giữa 2 vương triều, cái chết của vị vua, sự trốn chạy của công chúa… tất cả diễn biến bốc hơi trước con số 9 in hằn. Một thứ ánh sáng loé chớp trong tôi về tên gọi một ngôi chùa Nam Truyền và nguyên do vì sao lại được đặt theo tên hiệu của Phật Hoàng. Và rồi tôi lần dở tiếp các phần phụ lục khác, chứng kiến một loạt những bằng cớ của văn hóa phương Nam lưu dấu nơi thành quách, đền đài của kinh thành Thăng Long. 

Từ câu hỏi về một đám cưới dậy mùi chính trị, một nghi vấn khác toang mở và cấp thiết, đương thời hơn vạn phần. Trần Nhân Tông đã thực sự vận dụng phương pháp nào để như đúng tên gọi của mình, Điều Ngự, vị tỳ kheo có địa vị số 1 của Phật Giáo Đại Việt khi đó đã điều ngự tâm hành theo phương pháp nào hay trong những bước đường tâm linh đã trải qua bao nhiêu lần chuyển đổi pháp môn để về tới sự nguyên chất trong pháp hành? 

Cứ địa của Phật Hoàng là Am Mây Ngủ. Đã bao lần tôi ước mong được an tọa, được thâu hưởng từ trường ở nơi ấy. Nhưng với dòng tâm ý của hôm nay, với ngẫm suy về năm 1301 và con số 9 tháng ẩn mình của người xưa, ước mong đó đã tiêu hao nhiều phần. Đến hay lưu trú không còn là vấn đề. Đó chỉ là chuyện của bàn chân, của xê dịch. Sự tôi luyện bên trong, kỹ thuật thiền quán mới là hệ trọng. Đó là chuyện của thân, thọ, tâm, pháp, của sự quan sát, của hay biết, của ghi nhận, của canh chừng, của để ý, của dõi theo của những con đường bên trong, lưu chuyển bên trong, xê dịch bên trong. Đồng chung những thiên di này thì xa đó mà cũng gần đó. Lạc mà chẳng hề lạc bao giờ.

Một nỗi vui sướng không tên khe khẽ trong chiều sâu tâm ý! Tôi ngồi đó và không quên chú tâm vào những biến dịch thực thể nơi mình.

Từ 9 tháng ấy đến nay… nếu nhất quán ở nội thân thì 700 năm cách giữa cũng không là.

#Nhiên
5.1.2019