Trang

7.1.19

THOÁNG XANH | GDM#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận sách GIÁO DỤC MỚI TẠI VIỆT NAM THẬP NIÊN 1940, GIÁO DỤC MỚI
Tôi trực tiếp nghe tác giả và nhóm hậu thuẫn nói về quyển “Giáo Dục Mới tại Việt Nam thập niên 1940” tại Sài Gòn vào trung tuần tháng 11. Đến cuối tháng 11, thêm 1 buổi tọa đàm tương tự diễn ra tại Hà Nội. Tôi đặt sách và nhờ người em tên Hà đến xin chữ. Đầu tháng 12 khi ra Bắc, tôi bắt đầu ôm sách theo và đọc mỗi khi có thời gian rảnh.

Sách chỉ có 3 chương. Số trang được đếm tính là 175. Vậy mà tôi không thể nào đọc nhanh được. Phần vì công việc chen ngang. Phần vì có những điều từ sách khiến tôi phải dừng lại và ngẫm nghĩ. Và một lượng thời gian khác là bàn luận về sách, giới thiệu sách cho từng người mà tôi biết trong phạm vi bạn hữu ít ỏi của mình. Những buổi riêng tư như thế với những bậc phụ huynh như Đức An Quốc, Hoàng Duy Bình hay ngay khi vừa hoàn tất xong bài này là Quỳnh Như, Tâm Tuệ Mẫn chắc chắn cho tôi thêm rất nhiều dữ kiện thú vị về sự tiếp nhận chủ đề này của những bậc cha mẹ đương thời.

Đây là một quyển sách theo tôi thuộc về nhóm sách lịch sử. Vì những trang giấy giúp tôi có một ánh nhìn tường tận và chân xác về địa hạt giáo dục mầm non tại Hà Nội nói riêng và toàn thể quốc gia nói chung vào những năm 1940. Đồng thời thể loại du khảo khoác áo tạo ra tính phiêu lưu xuyên thời. Vừa là quay ngược thời gian về lại một thuở thanh bình, một thời tao loạn. Vừa là kính cẩn ngưỡng vọng những bậc tiền nhân trong chuyên ngành tâm lý học trẻ em và cả kinh nghiệm nuôi dạy chính con em của họ. Vừa nhìn thấy hình hài của một ngôi trường mầm non tư thục đầu tiên của người Việt, vừa nhìn thấy trái tim của những con người đã chung tay xây dựng nên ngôi trường đó. Vừa nhìn thấy cả quá trình tôi luyện nên nhân cách, kiến thức và hoài bão của họ. Và điều gây bàng hoàng nhất chính là Việt Nam nối liền với Thụy Sĩ, Hà Nội chung 1 nhịp đập cùng Genève, chiếc nôi của Giáo Dục Mới trên toàn thế giới. Phong trào hướng đạo cùng với hoạt động thiện nghĩa trong một sự trùng phùng kỳ diệu đã tạo nên một lớp người như Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Phước Vĩnh Bang, Nguyễn Sơn Hà v.v… Và phép màu của tình thương với con trẻ đã khiến cho 2 dòng chảy cùng hòa thành 1. Để giờ đây, kẻ hậu thế là tôi cảm thấy mình không hề vắng / xa hay nghèo / thiếu một nền tảng tư tưởng về giáo dục con người và sự dũng cảm trong thể nghiệm, trong hành động.

Còn rất nhiều lần đọc sách nữa (đọc hết rồi quay lại đọc từ đầu) đang chờ tôi!